Công an tỉnh tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Chú trọng chất lượng, hiệu quả
LSO-Thực hiện Kế hoạch số 58 của Bộ Công an, Kế hoạch số 36 của HĐND tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Công an tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai việc lấy ý kiến trong toàn lực lượng công an tỉnh.
LSO-Thực hiện Kế hoạch số 58 của Bộ Công an, Kế hoạch số 36 của HĐND tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Công an tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai việc lấy ý kiến trong toàn lực lượng công an tỉnh. Đến nay, sau khi tập hợp, các ý kiến tham gia góp ý toàn diện, ở nhiều góc độ khác nhau về tất cả các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng.
Công an xã Tân Thành, Cao Lộc bám dân, bám địa bàn nắm thông tin và tuyên truyền pháp luật |
Được coi là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, rộng lớn trong toàn ngành, việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 được Công an tỉnh Lạng Sơn triển khai theo kế hoạch từ đầu tháng 2/2013. Công an tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và ban hành công văn hướng dẫn việc lấy ý kiến góp ý gửi các đơn vị trực thuộc. Theo đó, lãnh đạo các đơn vị triển khai quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu kỹ các nội dung của Dự thảo. Sau đó mở hội nghị, thảo luận tại đơn vị và tổng hợp ý kiến gửi Công an tỉnh. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh mở hội nghị toàn thể góp ý kiến trực tiếp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Với tinh thần trách nhiệm cao, sau một thời gian triển khai việc lấy ý kiến, 100% đơn vị công an thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến, đảm bảo toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị nghiên cứu, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu thảo luận đều tỏ rõ sự đồng tình, nhất trí cao về bố cục, nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó tập trung theo một số định hướng của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và phân công của HĐND tỉnh về những nội dung cần góp ý trong Dự thảo. Kết quả, đã có 21 ý kiến đóng góp có chất lượng tham gia trực tiếp vào lời nói đầu và các điều khoản cụ thể. Các ý kiến tham gia góp ý một cách toàn diện, ở nhiều góc độ khác nhau về tất cả các nội dung lấy ý kiến, trong đó nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng, tập trung vào những chương, điều có nhiều thay đổi của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp so với bản Hiến pháp hiện hành.
Ngoài lời nói đầu, các chương có nhiều ý kiến đóng góp nhất là: Chương I- Chế độ chính trị, Chương II- Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Chương IV- Bảo vệ Tổ quốc. Qua tổng hợp ý kiến tham gia xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của lực lượng Công an tỉnh, có thể khẳng định đại đa số cán bộ, chiến sĩ thống nhất với các quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp; đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quy định rõ, đầy đủ và cụ thể hơn trong Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân với tính chất là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Làm rõ hơn mối quan hệ giữa bảo vệ an ninh trật tự với phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại; giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự với nhiệm vụ quốc phòng… Ngoài ra có một số ý kiến đóng góp vào Chương V- Quốc hội và đề nghị bỏ điều 120 quy định về Hội đồng Hiến pháp trong Chương X- Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước.
Đại tá Hoàng Minh Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Công an tỉnh cho biết, đơn vị đã triển khai 5 bước lấy ý kiến của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên công an theo đúng kế hoạch đề ra. Trong quá trình lấy ý kiến, chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên công an về chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ toàn lực lượng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Đồng thời ghi nhận, trong quá trình lấy ý kiến, công an các đơn vị trực thuộc đã thực hiện nghiêm túc kế hoạch, đảm bảo tính khoa học, phù hợp và chất lượng, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân trên địa bàn. Thời gian tới, để việc tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn được tiếp tục đến trước khi Quốc hội thông qua, lực lượng công an vẫn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt cán bộ, chiến sĩ, nhân viên công an nghiên cứu, tham gia ý kiến vào Dự thảo; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành ở địa phương làm tốt công tác này.
THANH HÒA
Ý kiến ()