Công an tỉnh tăng cường đấu tranh ngăn chặn gia cầm nhập lậu
Phòng PC49, Công an tỉnh bắt hơn 10 nghìn con gia cầm giống nhập lậu |
Với đặc điểm là địa bàn biên giới, có nhiều đường mòn, lối tắt qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc nên hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm, sản phẩm động vật, thực phẩm diễn ra rất phức tạp. Đại tá Đỗ Ngọc Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, họp bàn các phương án, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố tiến hành đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động, chốt chặn 24/24 giờ tại các đường mòn, lối tắt qua biên giới nhằm phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Kết quả, trong tháng 3/2017, lực lượng công an đã bắt, xử lý 34 vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm động vật nhập lậu; thu giữ gần 83.000 con gia cầm giống; trên 3.000 kg sản phẩm động vật. Điển hình, ngày 14/3/2017, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã phối hợp với Đội 389 tỉnh, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện tại địa phận xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình có 4 đối tượng đang vận chuyển gia cầm giống nhập lậu bằng xe gắn máy từ khu vực biên giới vào sâu trong nội địa. Qua kiểm tra bên trong 12 lồng sắt, có chứa trên 3.300 con gia cầm giống nhập lậu.
Ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Các phòng nghiệp vụ Công an Lạng Sơn cũng đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Chi cục Thú y, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cường thanh tra, kiểm tra các trang trại chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn lây lan dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại. Đồng thời tổ chức phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9. Vận động nhân dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch.
Với nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an và các lực lượng chức năng bước đầu đã cơ bản ngăn chặn gia cầm nhập lậu và nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn chặn gia cầm nhập lậu đạt hiệu quả thì rất cần sự nâng cao ý thức phòng ngừa và phối hợp của quần chúng nhân dân. Có như vậy mới góp phần phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Ý kiến ()