Công an tỉnh: Đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa bạo lực học đường
(LSO) – Trong những năm qua, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) triển khai nhiều biện pháp góp phần phòng ngừa bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục, bảo đảm môi trường học tập lành mạnh cho các em.
Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh không có vụ việc mang tính chất bạo lực trong trường học. Song tình trạng vi phạm pháp luật và bạo lực có học sinh tham gia vẫn xảy ra ở ngoài cơ sở giáo dục. Đối tượng thực hiện các hành vi này bao gồm cả đối tượng ngoài xã hội và học sinh, phần lớn là các em ở cấp THPT, trung tâm giáo dục dạy nghề – giáo dục thường xuyên.
Trước thực trạng đó, hằng năm, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch và bổ sung nội dung phối hợp với ngành GD&ĐT về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các trường học, trong đó có nội dung phòng chống bạo lực học đường. Trước hết, tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với các phong trào thi đua của ngành giáo dục. Đồng thời, tổ chức phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các trường học. Trong 2 năm trở lại đây, Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố đã tổ chức được trên 200 cuộc tuyên truyền, phát động phong trào tại các trường học. Lực lượng công an còn phối hợp tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật, nhiều phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho các em lối sống lành mạnh và giàu lòng nhân ái.
Đoàn viên thanh niên Công an huyện Lộc Bình tham gia diễn đàn Nói không với bạo lực học đường
Mặt khác, lực lượng công an phối hợp trao đổi thông tin, nhắc nhở, quản lý học sinh cá biệt, vi phạm nội quy trường học và vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện những hành vi, lối sống lệch lạc, những mâu thuẫn nhen nhóm trong các em để xử lý dứt điểm, ngăn ngừa xảy ra bạo lực. Cô Đỗ Thị Tiên, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Ở độ tuổi của mình, các em còn nhiều bồng bột và dễ bị kích động dẫn tới hành vi xấu. Để phòng ngừa tình trạng này, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm phối hợp của các cấp, ngành, lực lượng công an và gia đình trong giáo dục, uốn nắn các em sửa chữa những lời nói, hành vi không đúng mực và tìm hiểu giải quyết những mâu thuẫn phát sinh. Nhờ vậy, nhiều năm nay, nhà trường không có học sinh vi phạm pháp luật, không để xảy ra bạo lực học đường.
Đối với những vụ bạo lực có học sinh tham gia, lực lượng công an khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý, phối hợp cùng cơ sở giáo dục có biện pháp khắc phục. Nhờ vậy đã góp phần kiềm chế, giảm thiểu số vụ việc xảy ra. Đơn cử, trong giai đoạn 2016 – 2017, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ đánh nhau có học sinh tham gia, giảm 7 vụ so với giai đoạn năm 2014 – 2015. Trung tá Hứa Anh Tú, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) khối cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, Phòng Xây dựng phong trào TDBVANTQ – Công an tỉnh cho biết: Bạo lực học đường và vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan tới tâm lý lứa tuổi các em, nhiều bậc phụ huynh thiếu quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái…
Để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức xã hội cho thế hệ trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên; lồng ghép nội dung này vào giảng dạy ở các nhà trường.
Ngày 16/7/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 111 về triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2018 – 2021. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường; tích hợp nội dung này vào các hoạt động giáo dục; xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, giám sát và xử lý các vụ việc về bạo lực học đường. |
Ý kiến ()