Công an Lạng Sơn: Tích cực giúp đỡ người hoàn lương hòa nhập cộng đồng
LSO-Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ, Kế hoạch 214 của Bộ trưởng Bộ Công an về các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm huy động sức mạnh của các cấp, các ngành và toàn dân tích cực tham gia quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
LSO-Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ, Kế hoạch 214 của Bộ trưởng Bộ Công an về các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm huy động sức mạnh của các cấp, các ngành và toàn dân tích cực tham gia quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
Chăn nuôi lợn rừng ở Trại tạm giam Yên Trạch – Ảnh: Thanh Sơn |
Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo Công an các huyện, thành phố thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân khác như hộ khẩu, chứng minh nhân dân theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Trại tạm giam Công an tỉnh cũng chú trọng tới việc dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân nhằm chuẩn bị cho họ có thể kiếm sống sau khi mãn hạn tù, tổ chức các chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “ Vì ngày mai tươi sáng” để họ có dịp được giao lưu trao đổi với những tấm gương hoàn lương tiêu biểu, dần xóa bỏ tâm lý tự ti khi chấp hành xong án phạt trở về với cộng đồng… Nhiều địa phương đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia hoạt động quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người bị kết án hình sự, góp phần giảm tỉ lệ tái phạm. Điển hình như mô hình “Giúp đỡ người hoàn lương”, “Doanh dân với an ninh trật tự”. Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đều tự nguyện nhận người lao động là những người đã chấp hành xong án phạt tù, giúp đỡ họ có việc làm ổn định. Tiêu biểu như Công ty TNHH Thịnh Lộc, huyện Hữu Lũng; Công ty TNHH Bảo Long – huyện Cao Lộc; một số người hoàn lương trở về địa phương chú trọng tạo việc làm giúp đỡ những người lầm lỗi như cơ sở sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng của anh Lục Văn Thượng ở huyện Cao Lộc; anh Võ Tấn Dũng với xưởng sản xuất gỗ ép xuất khẩu ở Hữu Lũng… Nhiều nơi có cách làm thể hiện tính nhân văn như Công an huyện Bắc Sơn đã tham mưu tổ chức buổi gặp mặt thân mật giữa cấp ủy chính quyền, lực lượng Công an với những người hoàn lương về cư trú tại địa phương. Ông Dương Tùng Soạn – Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ cho biết: đây là dịp để họ bày tỏ tâm tư nguyện vọng và những đề xuất chính đáng với cấp uỷ, chính quyền các ban ngành của xã. Thông qua buổi gặp mặt đã khích lệ, giúp đỡ người lầm lỗi có cơ hội xóa đi mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống. Xã Vũ Lễ hiện có 54 người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt, với nhiều tội danh như trộm cắp tài sản, buôn bán trái phép chất ma túy, buôn bán tiền giả. Những năm qua, số người hoàn lương trở về cộng đồng đã được quan tâm, hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, dần giúp họ xoá bỏ mặc cảm trở thành người có ích cho xã hội. Trong tổng số 34 người hoàn lương hiện có mặt tại xã Vũ Lễ không có hộ gia đình nào thuộc diện đói nghèo, đã có 2 mô hình hộ kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Điển hình như anh Nguyễn Mạnh Hùng với xưởng mộc trị giá hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 lao động; anh Phạm Văn Tuấn với mô hình VAC, đến nay anh đã xây dựng được cơ ngơi khang trang với thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm; anh Đỗ Xuân Lâm với mô hình vườn ươm, trồng 7ha rừng, thu nhập ổn định.
Hiện tại trên toàn tỉnh đang quản lý 2680 người chấp hành xong án phạt tù từ năm 2002 – 2012, trong đó 83% người có việc làm ổn định, 87% ý kiến đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng. Từ kết quả khảo sát hiện Công an Lạng Sơn đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng. Thực tế do tâm lý tự ti, phần khác do sự phân biệt kỳ thị của một số người nên việc hòa nhập cộng đồng đối với người từng lầm lỡ thường gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để Nghị định 80/CP thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay của toàn xã hội trong việc hướng dẫn, giúp người chấp hành xong án phạt tù có thêm nghị lực, quyết tâm để rèn luyện, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
THỦY QUYÊN - MINH ANH
Ý kiến ()