Công an Lạng Sơn bồi dưỡng kiến thức và học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số: Để gần dân, hiểu dân, thực hiện tốt nhiệm vụ
- Trong 2 năm trở lại đây, Công an tỉnh đã phối hợp mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), giúp cán bộ, chiến sĩ (CBCS) vận dụng giao tiếp tốt hơn với bà con, từ đó phục vụ hiệu quả các mặt công tác, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Công an tỉnh trao chứng chỉ hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ chiến sĩ
Sau vài tháng tham gia lớp bồi dưỡng tiếng DTTS và kiến thức dân tộc, Đại úy Bế Sỹ Thọ, Phó Trưởng Công an xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình đã có thể giao tiếp bằng tiếng Dao và nói thành thạo tiếng dân tộc Tày địa phương. Đại úy Thọ cho biết: Ái Quốc là xã vùng III, hiện có trên 2.100 nhân khẩu sinh sống tại 9 thôn, 98% số dân trên địa bàn là người dân tộc Dao, còn lại là dân tộc Tày. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên địa bàn xã, tôi và CBCS trong đơn vị xác định cần tìm hiểu phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và tiếng nói của đồng bào. Chính vì vậy, tháng 7/2023, tôi đã tham gia lớp bồi dưỡng tiếng DTTS và kiến thức dân tộc do Công an tỉnh tổ chức. Ngoài ra, trong quá trình công tác, tôi thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc để hiểu hơn về đời sống, văn hóa của bà con, từ đó tăng cường mối liên hệ với người dân để phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo ANTT.
Theo tìm hiểu, việc mở các lớp dạy tiếng DTTS và bồi dưỡng kiến thức dân tộc được Công an tỉnh triển khai từ năm 2022. Thiếu tá Nguyễn Tiến Biên, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh cho biết: Việc mở các lớp này được Công an tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn và Ban Dân tộc tỉnh thực hiện. Qua đó nhằm giúp CBCS giao tiếp tốt hơn với người dân, truyền tải tốt hơn những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân; đồng thời hiểu hơn về phong tục tập quán, văn hóa, đời sống của đồng bào để phục vụ tốt công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. Đối tượng tham gia bao gồm lãnh đạo, cán bộ chỉ huy cấp tỉnh đến cơ sở, ưu tiên CBCS cấp xã, CBCS dân tộc Kinh hoặc cán bộ được Bộ Công an điều động lên Lạng Sơn công tác.
Từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức, tiếng DTTS cho 1.321 CBCS các đơn vị thuộc Công an tỉnh; trong đó cấp tỉnh 303 đồng chí; cấp huyện 396 đồng chí và cấp xã 622 đồng chí. |
Kết quả, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức, tiếng DTTS cho 1.321 CBCS các đơn vị thuộc Công an tỉnh; trong đó cấp tỉnh 303 đồng chí; cấp huyện 396 đồng chí và cấp xã 622 đồng chí. Thời gian dạy tiếng DTTS là 3 tháng, lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc là 5 ngày; quá trình học các CBCS được đi thực tế để thực hành.
Sau các lớp bồi dưỡng, CBCS công an toàn tỉnh đã vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác, góp phần để lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là qua đây giúp họ gần dân hơn, hiểu dân hơn, để nghe dân nói, nói dân hiểu, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Chỉ từ năm 2023 đến nay, lực lượng công an trên địa bàn đã tổ chức tuyên truyền và vận động gần 157.000 lượt cán bộ, hơn 185.500 gia đình và gần 154.000 lượt học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm pháp luật; vận động người dân giao nộp gần 700 khẩu súng, hơn 2.600 viên đạn các loại, 47 vũ khí thô sơ; bắt và vận động đầu thú 45 đối tượng truy nã… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Anh Vi Văn Thơm, dân tộc Tày, ở xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình cho biết: Các CBCS Công an xã thường xuyên đến thôn bản tuyên truyền pháp luật, các đồng chí còn nói chuyện, tuyên truyền pháp luật cho chúng tôi bằng tiếng dân tộc, tôi thấy các anh rất thân thiện, gần gũi, tuyên truyền dễ hiểu, từ đó, chúng tôi tích cực tham gia giữ gìn ANTT trên địa bàn. Bản thân tôi hồi cuối tháng 12/2023 đã tự giác giao nộp cho Công an xã 1 khẩu súng cồn tự chế.
Không chỉ “nghe dân nói, nói dân hiểu” mà lực lượng công an tỉnh thời gian qua còn “làm dân tin”, thể hiện rõ nét thông qua những chiến công trong công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các hoạt động an sinh xã hội hướng về cơ sở. Đơn cử như từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, điều tra làm rõ 54 vụ, 116 đối tượng phạm pháp hình sự; phát hiện trên 110 vụ, bắt giữ gần 150 đối tượng phạm tội về ma túy; bắt giữ 10 vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ; điều tra làm rõ và khởi tố 22 vụ, 46 bị can về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép…
Với đặc thù địa bàn miền núi, biên giới, phần đa là đồng bào DTTS sinh sống, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng DTTS là rất thiết thực, góp phần củng cố, tăng cường sự gắn bó giữa lực lượng công an và quần chúng Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới, nhất là khi triển khai lực lượng công an chính quy về cơ sở như hiện nay.
Ý kiến ()