Công an Duy Tiên thực hiện văn hóa trong giao tiếp
Bảy giờ sáng, phòng tiếp dân của Công an huyện Duy Tiên (Hà Nam) đông nghẹt người đến làm chứng minh nhân dân (CMND) và hộ khẩu. Công việc bận rộn, tíu tít, cán bộ chiến sĩ công an tất bật giải quyết thủ tục cho từng người. Nắng hè oi bức, trán lấm tấm mồ hôi, nhưng các chiến sĩ công an vẫn tươi tắn nụ cười với lời giải thích ngắn gọn, dễ hiểu hướng dẫn các thủ tục làm CMND.Đến gần trưa khi công việc đã xong, Đại úy Đào Thị Hồng Nga, Đội phó quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội tiếp tôi. Bên ấm trà thơm, chị cho biết: Thứ bảy, chủ nhật đội vẫn cử cán bộ thường trực để tiếp dân làm CMND, giải quyết hộ khẩu vì chỉ có những ngày này, cán bộ công chức nhà nước và học sinh, sinh viên mới được nghỉ.Số công dân đến làm CMND độ tuổi từ 14 trở lên. Do trình độ hiểu biết về xã hội không đồng đều, việc nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên khi tiếp xúc và giải thích, hướng dẫn khai tờ...
Đến gần trưa khi công việc đã xong, Đại úy Đào Thị Hồng Nga, Đội phó quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội tiếp tôi. Bên ấm trà thơm, chị cho biết: Thứ bảy, chủ nhật đội vẫn cử cán bộ thường trực để tiếp dân làm CMND, giải quyết hộ khẩu vì chỉ có những ngày này, cán bộ công chức nhà nước và học sinh, sinh viên mới được nghỉ.
Số công dân đến làm CMND độ tuổi từ 14 trở lên. Do trình độ hiểu biết về xã hội không đồng đều, việc nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên khi tiếp xúc và giải thích, hướng dẫn khai tờ khai nhiều khi rất vất vả. Vấn đề đặt ra là việc cấp CMND và giải quyết các thủ tục hộ khẩu phải bảo đảm thủ tục theo quy định của pháp luật, nhưng không được gây phiền hà và tạo điều kiện thuận lợi để người dân không mất công đi lại nhiều lần. Có những đối tượng do trình độ xã hội hạn chế, nhiều cán bộ chiến sĩ phải hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể từng mục, không nói nhanh quá và lời lẽ phải từ tốn, lễ phép tạo sự đồng tình, vui vẻ thoải mái hợp tác với cơ quan công an hoàn thành các thủ tục khai báo theo đúng quy định. Đại úy Đào Thị Hồng Nga giải thích thêm: Khi tiếp dân, chúng tôi luôn ân cần hỏi han, trong giao tiếp luôn bắt đầu bằng cụm từ xưng hô có chủ ngữ: Ông, bà, cô bác, anh, chị… cần giúp gì ạ?; hoặc tôi có thể giúp ông, bà… việc gì?…
Trong quá trình tiếp dân, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Duy Tiên luôn mặc quân phục đúng điều lệnh công an nhân dân, tác phong chững chạc, không làm việc riêng trong khi làm nhiệm vụ, có thái độ đúng mực ôn hòa, tôn trọng nhân dân, chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân với phương châm: “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin”.
Thiếu tá Trần Anh Tuấn, đã có gần hai chục năm làm Cảnh sát điều tra, kể cho tôi nghe một số khó khăn khi điều tra các vụ việc đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật không chịu khai báo, không hợp tác với cơ quan công an. Anh bảo, những lúc đó, người cán bộ cảnh sát điều tra ngoài kiến thức pháp luật, nghiệp vụ còn phải có kiến thức xã hội thật tốt, phải xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an có tác phong đĩnh đạc, thấu tình, đạt lý trong khi giao tiếp. Khi lấy lời khai phải tạo ra được tính đồng thuận giữa người hỏi và người bị hỏi, cán bộ chiến sĩ làm công tác điều tra không được dùng những lời lẽ mang nặng tính mệnh lệnh khô cứng, mà phải có những lời lẽ, câu hỏi mang tính gợi mở nhẹ nhàng không mang tính áp đặt. Đối với người làm chứng có thể nên dùng những cụm từ như: “Anh hay chị có thể giúp cơ quan công an làm rõ thêm vụ việc này bằng việc cung cấp những gì đã chứng kiến…?”. Song để làm được những việc trên thì mỗi cán bộ chiến sĩ điều tra phải giữ đúng thái độ nghiêm túc, bình tĩnh, cử chỉ gần gũi, đúng mực để tạo niềm tin, sự yên tâm và là chỗ dựa tinh thần để họ yên tâm hợp tác. Mặt khác, cán bộ điều tra phải hiểu được thái độ, hoàn cảnh phạm tội của các đối tượng để có biện pháp hợp lý trong quản lý, giáo dục họ thành khẩn khai báo, tin tưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, giúp cho việc điều tra các vụ án được nhanh chóng và thuận lợi. Và điều không thể thiếu được là quá trình gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với những người bị tạm giữ, tạm giam các điều tra viên phải luôn giữ phẩm chất của người Công an cách mạng, không gây khó khăn, ức hiếp hay làm điều gì trái với quy định của pháp luật.
Đối với thân nhân gia đình của những người bị tạm giữ, tạm giam với tâm lý của họ là lo lắng cho con em họ về sức khỏe, đời sống vật chất, các chế độ ăn uống, sinh hoạt… Chúng tôi luôn giữ thái độ hòa nhã, tôn trọng, ân cần động viên, giải thích. Từ đó đã tạo cho người nhà, gia đình can phạm yên tâm vào chế độ giam giữ, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Huyện Duy Tiên có quốc lộ 1A, tuyến đường sắt bắc – nam chạy qua. Con đường nối từ cầu Yên Lệnh, Hưng Yên ra quốc lộ 1A gần đây thật sự đã trở thành huyết mạch giao thông, là vành đai kinh tế của chín tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn… Đội phó Cảnh sát giao thông trật tự công an huyện Duy Tiên Đại úy Nguyễn Văn Thành cho biết: Khi dừng xe để kiểm tra thì mỗi cán bộ chiến sĩ phải chào hỏi nhân dân, có lời nói cử chỉ văn minh lịch sự, tôn trọng nhân dân. Khi phát hiện ra những vi phạm của nhân dân cần phải giải thích cụ thể từng lỗi vi phạm. Trước khi lập biên bản vi phạm hành chính phải giải thích để nhân dân hiểu được lỗi vi phạm để bản thân họ thấy sai và hợp tác làm việc với lực lượng Cảnh sát giao thông.
Thời gian qua, Công an huyện Duy Tiên là một trong những đơn vị cấp huyện của Công an Hà Nam đã tổ chức tốt cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Ban Chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo Công an huyện đã phát động trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt “Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ” trong mọi hoạt động của đơn vị góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()