Việc tôm thẻ chân trắng bị đưa vào danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại theo Thông tư 22 vừa được Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-8 (Báo Người Lao Động ngày 12-8 đã đưa tin) có thể thay đổi sau cuộc họp mới đây giữa hai bộ TN-MT và NN-PTNT.
Cảnh báo chứ không cấm !
Ngày 26-8, Cục phó Cục Bảo tồn đa dạng sinh học – Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), bà Hoàng Thanh Nhàn, cho biết Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) vừa làm việc với nhau và đi đến thống nhất để Tổng cục Thủy sản thu thập thêm kết quả khảo nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng trên thực tế và cung cấp cho phía Tổng cục Môi trường. Sau đó, Hội đồng Tư vấn Khoa học do Bộ TN-MT thành lập sẽ xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: NGỌC TRIN H
Bà Nhàn quả quyết đến thời điểm này chưa có quyết định cuối cùng về việc đưa tôm thẻ chân trắng ra khỏi danh mục ngoại lai có nguy cơ xâm hại hay không. Với những thông tin mà Bộ NN-PTNT cung cấp thì tôm thẻ chân trắng vẫn nằm trong danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. “Thông tư 22 chỉ mang tính cảnh báo mà không phải là ngăn cấm vì nhiều khi người dân không đánh giá hết được những nguy cơ. Còn việc nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn được Bộ NN-PTNT kiểm soát chặt bằng quy hoạch, nuôi cách ly và có cấp phép nhưng vẫn có thể tiềm ẩn rủi ro” – bà Nhàn nói.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, Bộ NN-PTNT đang khẩn trương thu thập tài liệu để cung cấp cho Bộ TN-MT trong thời gian sớm nhất để sửa Thông tư 22. Song theo bà Nhàn, Bộ NN-PTNT chưa cập nhật đủ thông tin về sự an toàn của tôm thẻ chân trắng.
Mỗi bên một phách
Điều làm người nuôi thủy sản ở nhiều tỉnh, thành bức xúc là việc Bộ NN-PTNT cho phép người dân nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích lớn và thể chế hóa bằng Quyết định 57 đã khẳng định sự an toàn và hiệu quả kinh tế đã được chứng minh khi người dân nuôi tôm thẻ chân trắng từ 10 năm qua và hiện nay đang là vật nuôi chủ lực của xuất khẩu tôm Việt Nam nhưng Bộ TN-MT lại không hề nắm được sự an toàn của loài này đối với các loài bản địa.
Trả lời về sự thiếu thông tin giữa hai bộ TN-MT và NN-PTNT dẫn đến việc không thống nhất trong quy định Nhà nước khiến người dân lo lắng, hoang mang, bà Nhàn cho rằng trách nhiệm của mỗi bộ ở một lĩnh vực khác nhau và không cần thiết phải có kiểm tra chéo cũng như cung cấp thông tin về kết quả khảo nghiệm. Cũng theo bà Nhàn, khi Bộ TN-MT xin ý kiến góp ý về dự thảo thông tư, Bộ NN-PTNT chỉ cung cấp việc đã tiến hành nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện rộng nhưng không cung cấp đủ thông tin về sự an toàn.
Nhiều loài cũng được nuôi nhưng đã gây ra nguy hại khôn lường sau này như ốc bươu vàng nên việc được nuôi với nguy hại là hoàn toàn khác nhau. |
Ý kiến ()