Cơn thịnh nộ của thiên nhiên
Biến đổi khí hậu kéo theo hàng loạt thảm họa thiên nhiên tiếp tục là mối đe dọa hàng đầu đối với cuộc sống và sinh kế của người dân trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế có những bước đi nhanh chóng và cụ thể hơn, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng hiện nay tiến triển thành thảm họa khí hậu.
Chim cánh cụt tại Nam Cực. Ảnh: Reuters |
Theo các nhà khoa học, thế giới đang đối mặt một thực tế đáng lo ngại là những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến và dần trở thành “trạng thái bình thường mới”. Do biến đổi khí hậu, các “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên trong năm 2022 đã dữ dội hơn và dự báo sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thập niên tới, khi bầu khí quyển của Trái đất ấm lên.
Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cảnh báo, ở hầu hết khu vực, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tình trạng thời tiết cực đoan, khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn.
Sự gia tăng về cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến nhiều quốc gia gánh chịu thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ USD. Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) mới đây cho biết, các trận bão lớn, cháy rừng, lốc xoáy, hạn hán tại nước này trong năm 2022 đã làm gần 500 người thiệt mạng và gây thiệt hại hơn 165 tỷ USD. Theo NOAA, ngày càng có nhiều người dân Xứ cờ hoa phải đối mặt những rủi ro do thời tiết khắc nghiệt và chứng kiến biến đổi khí hậu thay đổi rõ rệt cuộc sống của họ.
Tại châu Âu, hơn 15 nghìn người đã tử vong trong năm 2022 do nắng nóng khắc nghiệt chưa từng thấy. Châu Âu cũng chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất ở lục địa này trong 500 năm.
Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp và tiêu cực cuộc sống hằng ngày của 88% dân số châu Phi. Những tổn thất này thường là do hạn hán nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt. Đợt hạn hán dài nhất từ trước tới nay tại vùng Sừng châu Phi đe dọa làm mất an ninh lương thực, đẩy 22 triệu người vào nạn đói.
Các hiện tượng thời tiết có xu hướng khắc nghiệt hơn với tần suất xảy ra thường xuyên hơn, vẽ nên bức tranh thảm khốc về thực trạng cuộc khủng hoảng khí hậu trên trái đất hiện nay.
Theo Liên hợp quốc, nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng đến 2,80C vào cuối thế kỷ này. Mức tăng này nằm ngoài mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ là 20C, lý tưởng nhất là 1,50C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Giới chuyên gia nhận định, kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,50C sẽ hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ quá trình sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính làm Trái đất nóng lên, vẫn tiếp tục tăng.
Các nhà khoa học cảnh báo, với mỗi mức nhiệt tăng lên, hàng chục triệu người trên thế giới sẽ phải hứng chịu các đợt nắng nóng, lũ lụt nghiêm trọng, cũng như tình trạng khan hiếm nước và thực phẩm, trong khi nhiều động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ biến mất.
Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber (X.An Gia-bơ) mới đây cảnh báo, thế giới chưa tìm ra đúng lộ trình để thực hiện mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Jaber, để có thể kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,50C vào cuối thế kỷ, lượng khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030. Nhấn mạnh nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, ông cho rằng, năng lượng tái tạo cần tăng gấp ba lần mức hiện nay, trong khi sản lượng hydro tăng gấp đôi và ngành nông nghiệp, vốn gây ra 30% khí thải toàn cầu, phải được cải cách mạnh mẽ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) từng cảnh báo, Trái đất đang tiến gần điểm giới hạn không thể đảo ngược về hỗn loạn khí hậu và tất cả các nước phải hành động khẩn cấp, cùng nhau chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
https://nhandan.vn/con-thinh-no-cua-thien-nhien-post735487.html
Ý kiến ()