Còn sức, còn đóng góp xây dựng phố phường
Đó không chỉ là ý nghĩ mà còn được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể hằng ngày của nhiều thương binh ở phường 9, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Trong bộn bề của cuộc sống đời thường hôm nay, họ càng tô đẹp thêm bản chất truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ...Tham gia kháng chiến từ đầu năm 1950, đến năm 1991, Đại tá Trần Anh Hạp mới về hưu, sống với gia đình tại tổ dân phố 79, khu phố 5, phường 9, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Trở về với cuộc sống đời thường, những vết thương còn hằn trên cơ thể thường nhắc nhở người thương binh hạng 3/4 này nhớ về những đồng đội cùng vào sinh, ra tử ở nhiều chiến trường khốc liệt, trong đó có không ít người mãi mãi không về. Đó cũng là động lực lớn nhất giúp người lính già này thảnh thơi ghé vai "vác tù và hàng tổng" từ ngày về hưu đến nay.Từ năm 1991 đến nay, ông liên tục làm Tổ trưởng tổ dân phố 79, rồi tham gia ban liên lạc truyền thống kháng chiến của phường và...
Tham gia kháng chiến từ đầu năm 1950, đến năm 1991, Đại tá Trần Anh Hạp mới về hưu, sống với gia đình tại tổ dân phố 79, khu phố 5, phường 9, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Trở về với cuộc sống đời thường, những vết thương còn hằn trên cơ thể thường nhắc nhở người thương binh hạng 3/4 này nhớ về những đồng đội cùng vào sinh, ra tử ở nhiều chiến trường khốc liệt, trong đó có không ít người mãi mãi không về. Đó cũng là động lực lớn nhất giúp người lính già này thảnh thơi ghé vai “vác tù và hàng tổng” từ ngày về hưu đến nay.
Từ năm 1991 đến nay, ông liên tục làm Tổ trưởng tổ dân phố 79, rồi tham gia ban liên lạc truyền thống kháng chiến của phường và là Phó ban công tác Mặt trận Tổ quốc của khu phố 5… Ông tâm sự: “Với tôi, không làm thì thôi, đã làm thì phải làm hết mình. Tính cách này tôi đã được quân đội rèn luyện từ những ngày mới nhập ngũ”. Với chất lính ấy, cộng với kinh nghiệm của một sĩ quan từng tham gia công tác tuyên truyền đặc biệt trong quân đội, đã giúp ông hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hơn 20 năm gắn bó, với 43 hộ dân do tổ trực tiếp quản lý, ông thân thuộc với từng nhà như gia đình của mình. Nhà nào có việc gì, ông đều nắm rất rõ và là người đầu tiên có mặt để hỗ trợ, giúp đỡ. Từ chủ trương và được phường hỗ trợ một phần kinh phí, ông đến từng nhà vận động đóng góp để bê-tông hóa con hẻm dài hơn 100 m được sạch đẹp; rồi vận động để có hệ thống điện chiếu sáng ở tổ dân phố. Ở tổ có hai gia đình thuộc diện khó khăn, ông là người thường xuyên gặp gỡ, động viên và tìm cách giúp đỡ. Nhờ vậy, hộ bà Lê Thị Bảy đã thoát nghèo từ năm 2010; căn nhà của bà Nguyễn Thị Giác cũng được sửa chữa, không còn ọp ẹp như trước…
Công việc ở cơ sở rất nhiều, nếu không có sự nhiệt tình, chịu khó, thì không phải ai cũng hoàn thành được. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Đỗ Thị Mậu, vợ ông Hạp, đã “trách yêu” chồng: “Bất cứ việc gì của khu phố ông ấy cũng đều tham gia từ đầu tới cuối. Có lúc, công việc ở tổ dân phố nhiều quá, chồng tôi phải nhờ con gái lớn giúp làm tổ phó dân phố”. Nghe vợ đùa vui, ông Hạp cười rất hiền, thủng thẳng trả lời: “Bà con ở tổ dân phố còn cần mình và chưa muốn cho mình nghỉ, nên mình cũng phải ráng”. Cán bộ nào, phong trào đó, trong suốt 20 năm, tổ dân phố 79 do ông Hạp điều hành đã có 19 năm là Tổ dân phố văn hóa.
Cũng như ông Trần Anh Hạp, từ lúc về hưu (năm 1990) đến nay, Trung tá, thương binh hạng 3/4 Hoàng Văn Điều liên tục tham gia công tác ở địa bàn cư trú. Từ cuối năm 1991 đến nay, ông liên tục làm Tổ trưởng tổ dân phố 51, khu phố 4, phường 9, quận Phú Nhuận và là Bí thư chi bộ 4 của khu phố này nhiều nhiệm kỳ liền. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông bộc bạch: “Bất cứ công việc gì cũng phải gần dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của dân thì mới có kết quả tốt được. Mình là đảng viên, còn sức, còn có điều kiện thì còn tham gia đóng góp xây dựng tổ dân phố, khu phố và đó cũng là cách lo cho gia đình mình tốt nhất”.
Ở phường 9, quận Phú Nhuận còn khá nhiều thương binh đã nêu gương sáng Bộ đội Cụ Hồ ở địa bàn như ông Hạp, ông Điều. Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 9, quận Phú Nhuận Phạm Bá Tịch, toàn phường có 356 hội viên, trong đó có 76 đồng chí là thương binh. Hầu hết hội viên đều gương mẫu xây dựng gia đình văn hóa, chăm lo làm ăn, không còn gia đình hội viên nào có mức thu nhập dưới 12 triệu đồng/ người/năm. Nhiều hội viên, nhất là các đồng chí thương binh, còn tham gia công tác trong hệ thống chính trị ở cơ sở, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, trở thành những tấm gương sáng có sức lan tỏa mạnh đến từng hộ dân ở phường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()