Cơn sốt “thương mại mặt trăng” chiếm lĩnh nước Mỹ
Nước Mỹ sẽ trở lại mặt trăng nhờ sứ mệnh Peregrine. Con tàu không người lái này do Tập đoàn công nghệ tư nhân Astrobotic chế tạo, có nhiệm vụ vận chuyển các kiện hàng và thiết bị khoa học. Nếu thành công, đây sẽ là khởi đầu cho một ngành thương mại mới trên mặt trăng.
Khát vọng chinh phục mặt trăng
Khá thô sơ và cồng kềnh, tàu Peregrine có một thân chính hình hộp được hỗ trợ bởi 4 chân để hạ cánh. Dự kiến trong vài tuần tới, Peregrine sẽ được phóng lên không gian từ Căn cứ Vũ trụ Cape Canaveral ở bang Florida (Mỹ) nhờ tên lửa đẩy Vulcan do United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa Boeing Co và Lockheed Martin Corp, phát triển.
Hành trình chinh phục mặt trăng của Peregrine dự kiến mất khoảng 15-54 ngày. Tàu sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ như thăm dò tầng ngoài của mặt trăng, tính chất nhiệt, hydro trong nước hoặc cát (được gọi là regolith) của mặt trăng và môi trường bức xạ. Ngoài ra, Peregrine sẽ vận chuyển các thiết bị khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và 13 khách hàng khác, với chi phí 1,2 triệu USD/kg. Theo space.com, Peregrine có thể chở gần 90kg thiết bị.
Peregrine có thể là tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ đổ bộ lên mặt trăng kể từ năm 1972. Ảnh: Astrobotic |
Mỹ đã quyết định quay trở lại mặt trăng gần 20 năm trước với một chương trình mang tên Artemis. Chương trình này tập trung vào việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong không gian, bao gồm mặt trăng và trong tương lai là Sao Hỏa, cũng như có tham vọng đưa con người trở lại mặt trăng.
Hiện nay, NASA đang sử dụng các tàu đổ bộ robot tư nhân, máy bay tự hành và tàu vũ trụ khác để làm việc cùng với các phi hành gia của Chương trình Artemis, những người có thể hạ cánh gần cực Nam của mặt trăng ngay sau năm 2025 trong sứ mệnh Artemis 3. Cho đến nay, chỉ có tàu vũ trụ Orion bay thành công vào tháng 12-2022 sau khi quay quanh mặt trăng nhiều ngày nhưng chưa chạm vào nó.
Để vượt qua trở ngại về hạn chế ngân sách, NASA đã áp dụng chiến lược mới, chia sẻ rủi ro và lợi ích với các bên tham gia tư nhân. Điều này đã cho phép SpaceX được hưởng lợi từ các hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để chế tạo các bệ phóng có thể tái sử dụng và các tàu chở hàng tới Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Astrobotic nằm trong số 14 công ty được chọn gần đây nhất theo sáng kiến Dịch vụ tải trọng mặt trăng thương mại (CLPS) do NASA khởi xướng vào năm 2018, với số tiền 2,6 tỷ USD được đầu tư trong 10 năm. NASA cho biết, điều này nhằm đẩy nhanh việc tạo ra “các dịch vụ giao hàng trên mặt trăng của các công ty Mỹ”.
Bước tiến lớn của khoa học
CLPS đại diện cho một hình thức thám hiểm mặt trăng mới, bởi các nỗ lực hạ cánh thành công lên mặt trăng cho đến nay đều do các quốc gia dẫn đầu chứ không phải các công ty tư nhân. Tuy nhiên, nhiệm vụ khảo sát trước khi các phi hành gia hạ cánh xuống mặt trăng đã được giao cho các công ty tư nhân, trong đó có Astrobotic.
Nằm trên một bệ phụ của tàu Peregrine, dưới những tấm pin mặt trời là xe tự hành Iris. Phương tiện di chuyển trên mặt trăng này là niềm tự hào của các sinh viên ngành robot tại Trường Đại học Carnegie Mellon ở bang Pennsylvania (Mỹ). “Nó nặng 2kg. Đây là chiếc xe tự hành đầu tiên được chế tạo bởi một trường đại học chứ không phải bởi một cơ quan hàng không vũ trụ. Iris sẽ là robot đầu tiên của Mỹ trên mặt trăng”, Raewyn Duvall, 28 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là chỉ huy sứ mệnh Iris, vui mừng nói.
Theo ông William “Red” Whittaker, chuyên gia có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo robot và là một trong những người sáng lập của Astrobotic, đêm ở mặt trăng dài bằng 14 ngày ở Trái đất, nhưng ở nhiệt độ rất lạnh, -120°C. Vì thế, các linh kiện điện tử xuống cấp rất nhanh. Để tồn tại, các robot cần phải được làm nóng. Do đó, Astrobotic đã đưa ra giải pháp lưu trữ nhiệt trong ngày để khôi phục lại vào ban đêm bằng việc sử dụng pin hạt nhân vi mô. Đây chỉ là một trong số hàng nghìn thử thách đặt ra trong quá trình chinh phục mặt trăng.
Với cơn sốt “kinh doanh mặt trăng”, những bước đi nhỏ của con người là một bước tiến lớn cho khoa học.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/con-sot-thuong-mai-mat-trang-chiem-linh-nuoc-my-727368
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()