“Cơn sốt” thuốc tamiflu trong điều trị cúm mùa
LSO-Thời gian gần đây, do thời tiết lạnh, lại thay đổi thất thường nên số người bị mắc cúm mùa gia tăng. Do hiểu biết chưa đầy đủ về đặc tính trị bệnh cúm của thuốc tamiflu nên nhiều người đã đổ xô đi mua loại thuốc này, dẫn đến “cơn sốt” thuốc với giá cao gấp 4-5 lần so với giá niêm yết của Bộ Y tế. Điều này đã gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
“Cắn răng” mua thuốc giá đắt
Người nhà bệnh nhân phải mua thuốc tamiflu với giá
2 triệu đồng/vỉ 10 viên tại Hà Nội
Chị Nguyễn Thanh Huyền, người nhà cháu Nguyễn Nhật Minh (trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) mệt mỏi chia sẻ: Cháu tôi bị sốt trên 40 độ, phải nhập viện điều trị cúm A từ ngày 25/12/2019. Do thấy bạn bè trao đổi về thuốc tamiflu sẽ chữa khỏi bệnh cúm, tôi và người nhà đã ra các hiệu thuốc ở thành phố Lạng Sơn hỏi mua nhưng chờ đến 8 giờ tối vẫn không có, may có người nhà ở Hà Nội tìm mua được với giá 2 triệu đồng/vỉ 10 viên. Cháu tôi chỉ uống chưa hết 4 viên nhưng vẫn phải cắn răng mua 2 triệu tiền thuốc.
Không chỉ có chị Huyền, rất nhiều bậc cha mẹ qua trao đổi với nhau về công dụng của loại thuốc này đã đổ xô đi mua để về dự phòng nên đã khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên rất cao. Ngày 30/12/2019, qua tìm hiểu tại các nhà thuốc trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, thuốc tamiflu được bán với giá 280.000 đồng/1 viên, đắt gấp 4 – 5 lần so với giá niêm yết của Bộ Y tế. Nhiều cửa hàng thuốc, quầy thuốc thông báo hết thuốc.
Có lẽ tác hại của bệnh cúm A hơn chục năm về trước đến nay vẫn còn ám ảnh làm cho người nhà bệnh nhân sợ hãi và phải lùng sục tìm mua bằng được thuốc với giá “cắt cổ”. Họ không biết rằng việc lạm dụng thuốc tamiflu không theo chỉ định của bác sĩ không chỉ gây nguy hiểm mà còn lãng phí rất nhiều tiền bạc.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trong tháng 11/2019, toàn tỉnh ghi nhận 790 ca mắc cúm mùa, số bệnh nhân mắc cúm mùa có nguy cơ gia tăng trong tháng 12/2019 do ảnh hưởng của thời tiết lạnh, lại thay đổi đột ngột. Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, trong thời gian từ ngày 25 đến 30/12/2019 đã có 25 bệnh nhân mắc cúm A nhập viện với các triệu chứng sốt cao trên 40 độ.
Không phải ai bị cúm cũng cần dùng tamiflu
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi sức khỏe
của bệnh nhân đang điều trị tại đơn vị
Đây là lời khẳng định của bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm CDC. Bác sĩ Dũng cho biết: Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Tamiflu là thuốc ưu tiên sử dụng để điều trị các loại bệnh cúm có độc lực cao như cúm A(H5N1, H7N9). Người dân không nên tự ý mua thuốc tamiflu điều trị cúm nếu không có chỉ định của bác sĩ. Bất cứ loại thuốc nào cũng có nguy cơ tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn. Đáng lo ngại, việc lạm dụng thuốc tamiflu có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, như hiện tượng kháng thuốc này ngày càng tăng và gây tốn kém về kinh tế.
Cùng chung nhận định trên, bác sĩ Nguyễn Quang Lương, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh nhận định: “Cơn sốt” mua tamiflu như hiện nay của người bệnh là không cần thiết. Tamiflu chỉ là một loại thuốc hỗ trợ, không phải thuốc điều trị cúm đặc hiệu số 1. Bởi lẽ tamiflu chỉ thực sự có tác dụng tốt nếu người bệnh phát hiện và điều trị bệnh sớm, nếu sử dụng tamiflu sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng sốt thì kết quả điều trị không khác gì với bệnh nhân không dùng thuốc. Vì thế, điều trị cúm mùa chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng.
Nhiều trường hợp mắc cúm sau khi được điều trị đã khỏi. Chị Vi Thị Quyên, mẹ của bé Vũ Trần Tiến Đạt (trú tại đường Nguyễn Du, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Bé Đạt bị sốt 2 ngày không khỏi, kèm triệu chứng ho, nổi mề đay. Sáng 26/12/2019 tôi đưa bé nhập viện, điều trị tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh. Đến ngày 27/12 xét nghiệm có virut cúm A, bé được chuyển xuống khoa truyền nhiễm. Bác sĩ không kê thuốc tamiflu, chỉ điều trị hạ sốt thông thường. Ngày 29/12 bé nhà tôi đã cắt sốt.
Việc người dân đổ xô đi mua thuốc tamiflu đã khiến giá thuốc tăng cao. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế đã có văn bản số 2100/SYT-NVD ngày 25/12/2019 yêu cầu các đơn vị khám chữa bệnh và các cơ sở kinh doanh thuốc có sự phối hợp, chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm để đảm bảo không thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ngoài việc đẩy mạnh truyền thông, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp tích trữ hàng, tăng giá thuốc để đảm bảo quyền lợi của người dân.
MINH NGỌC – ĐẠI LÂM
Ý kiến ()