“Cơn sốt” nhập tịch cầu thủ và hướng đi nào cho bóng đá Việt Nam?
Với mục đích tìm kiếm thành tích nhanh chóng, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thực hiện chính sách nhập tịch cầu thủ ồ ạt và điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
“Cơn sốt” nhập tịch
Nhập tịch trong bóng đá không phải chuyện xa lạ trên thế giới. Với bóng đá Đông Nam Á – nơi được xem là vùng trũng, nhập tịch cầu thủ càng trở nên phổ biến bởi nhiều quốc gia muốn có thành tích nhanh chóng.
Đội tuyển Indonesia đang có chính sách nhập tịch cầu thủ rầm rộ. Ảnh: AFC |
Một trong những quốc gia đi tiên phong trong chính sách nhập tịch cầu thủ là Singapore. Đội tuyển quốc gia đảo quốc Sư tử từng nổi tiếng về nhập tịch thể thao, thông qua “Chương trình Tài năng Thể thao nước ngoài” (FST), hay còn được biết đến qua tên gọi ban đầu “Dự án Cầu vồng”.
Chương trình FST được Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS) áp dụng từ 2000. Năm 2002, đội chào đón các “ngoại binh” Mirko Grabovac (Croatia), Egmar Goncalves (Brazil), Daniel Bennett (Anh). Tiếp đó là bộ đôi Agu Casmir và Itimi Dickson (Nigeria). Không chỉ bóng đá, nhiều môn thể thao khác như bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bơi… cũng sử dụng các vận động viên nhập tịch nhằm cạnh tranh thành tích ở đấu trường quốc tế.
Bóng đá Malaysia cũng có thời điểm nhập tịch ồ ạt. Mohamadou Sumareh (Gambia), Romel Morales (Colombia), Stuart Wilkin (Anh), Endrick (Brazil), Brendan Gan (Australia), Natxo Insa (Tây Ban Nha) là những thành viên chủ chốt của đội tuyển Malaysia ở Asian Cup 2023.
Một đội bóng khác trong khu vực là Philippines cũng đẩy mạnh việc nhập tịch cầu thủ trong thời gian gần đây. Thực tế, sau khi có cầu thủ nhập tịch, cả tuyển quốc gia nam và nữ Philippines đều trở thành những đội bóng mạnh của Đông Nam Á. Tuyển bóng đá nữ quốc gia Philippines còn tham dự World Cup 2023 cùng tuyển nữ Việt Nam. Với tuyển bóng đá nam, nguồn cầu thủ nhập tịch đến chủ yếu từ Đức (Manny Ott, Stephan Schrock, Mike Ott, Patrick Reichelt, Kevin Ingreso); một số khác đến từ Tây Ban Nha (Bienvenido Maranon, Carli de Murga).
Trong các đội bóng khu vực hiện tại, Indonesia đang đẩy mạnh chính sách nhập tịch cầu thủ. Tờ Suara của Indonesia đưa tin, huấn luyện viên Shin Tae-yong đề nghị Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) tiếp tục trao cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch, dù đã có tới gần 10 cái tên trong đội hình đội tuyển quốc gia.
Theo đó, 5 cầu thủ gốc nước ngoài nhập quốc tịch Indonesia khả năng được triệu tập đấu tuyển Việt Nam vào tháng 3 tới gồm: Maarten Paes (FC Dallas, Mỹ), Thom Haye (SC Heerenveen, Hà Lan), Nathan Tjoe-A-On (Swansea City, Anh), Ragnar Oratmangoen (Fortuna Sittard, Hà Lan) và Jay Noah Idzes (Venezia, Italy).
Cả PSSI và ông Shin Tae-yong đều chung quan điểm về cách nâng cấp sức mạnh cho đội tuyển quốc gia là tận dụng tối đa nguồn tài nguyên cầu thủ nhập tịch, dù bóng đá xứ Vạn đảo đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ rất tài năng.
Việc Indonesia nhập tịch ồ ạt và có thể sử dụng nguyên đội hình toàn “Tây” tạo nên thách thức lớn với đội tuyển Việt Nam. Ở cuộc đụng độ tại Asian Cup 2023, sức vóc, thể lực của các cầu thủ nhập tịch Indonesia vượt trội hoàn toàn với “Những chiến binh sao vàng”.
Có một điểm chung giữa các quốc gia sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch là do liên quan đến lợi ích câu lạc bộ ở giải vô địch quốc gia, nhằm đối phó với hạn ngạch cầu thủ ngoại. Từ đó nhiều người được gọi vào đội tuyển quốc gia. Các cầu thủ nhập tịch vì lợi ích của họ với câu lạc bộ. Việc được gọi vào đội tuyển quốc gia giống như sự bảo đảm về giá trị gia tăng mà không quá nặng vì màu cờ sắc áo.
Kết quả là đội tuyển thiếu bản sắc và sự cống hiến, nhưng thành tích vẫn được đặt lên hàng đầu. Giờ đây, các đội bóng trong khu vực đang nhắm đến nhập tịch các cầu thủ trẻ, hướng đi mới của Đông Nam Á. Có nghĩa là gần như chắc chắn số lượng cầu thủ nhập tịch sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai và điều này dĩ nhiên có tác động tới bóng đá Việt Nam.
Hướng đi nào cho bóng đá Việt Nam?
Trong quá khứ, đội tuyển Việt Nam từng trao cơ hội cho các cầu thủ nhập tịch (Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La, Huỳnh Kesley), nhưng chỉ ở một vài trận giao hữu. Hiện tại, có khá nhiều cầu thủ Việt kiều muốn được về nước thử sức, nhưng mới có trường hợp của Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip là thành công.
Thủ môn Việt kiều Nguyễn Filip là sự bổ sung chất lượng cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VIỆT AN |
Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Nghiệp Khôi cho biết: “VFF luôn sẵn sàng đón nhận những cầu thủ Việt kiều trở về cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Chúng tôi luôn xem các cầu thủ Việt kiều là nguồn tài nguyên quý giá có thể bổ sung cho bóng đá và các đội tuyển Việt Nam. Có rất nhiều cách để họ liên hệ. Đối với các bạn chưa có quốc tịch, có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để chia sẻ hồ sơ, năng lực và mong muốn của mình”.
Từ góc độ tích cực, sử dụng cầu thủ nhập tịch giúp đội tuyển Việt Nam cải thiện cả về thể hình, thể lực, tốc độ lẫn tư duy chơi bóng, qua đó dần thu hẹp khoảng cách, trình độ với nhóm đầu châu lục, đến gần hơn với cơ hội dự World Cup. Tuy nhiên, sử dụng cầu thủ nhập tịch sẽ khiến các cầu thủ nội hết động lực phấn đấu, đó là chưa kể ảnh hưởng tới hình ảnh đội tuyển quốc gia.
Chúng ta đang có nguồn cầu thủ Việt kiều dồi dào, nhiều lò đào tạo trẻ. Nếu các cầu thủ có được nhiều cơ hội nhằm cải thiện thể hình, thể lực, tư duy chơi bóng, sự tự tin, kinh nghiệm… thì không phải quan tâm tới chính sách nhập tịch cầu thủ vốn chỉ mang tính ăn xổi. Mừng thay, trong suốt một năm qua, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam Philippe Troussier luôn chú trọng tới công tác huấn luyện tài năng và tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu. Những Đình Bắc, Phi Hoàng, Thái Sơn, Văn Tú, Vĩ Hào, Thanh Nhàn, Đình Bắc, Hồng Phúc… dù còn rất trẻ nhưng đã sớm bật nổi trở thành những tài năng sáng giá của bóng đá nước nhà.
Hành trình chinh phục tấm vé dự World Cup vẫn còn rất nhiều gian nan, song chú trọng vào đào tạo trẻ và tạo cơ hội cho các tài năng rèn giũa là hướng đi bền vững “xây nhà từ móng”. Dẫu còn đó những chệch choạc, những kết quả thi đấu chưa như kỳ vọng, song giới chuyên môn và người hâm mộ đã nhìn ra nhiều điểm tích cực trong lối chơi mà ông Philippe Troussier xây dựng, trong đó những tài năng trẻ đang nung nấu ý chí, niềm tin, chờ tới một ngày tỏa sáng mang lại niềm vui cho những người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Bất chấp các quốc gia Đông Nam Á nhập tịch cầu thủ rầm rộ, bóng đá Việt Nam vẫn trung thành với triết lý đào tạo trẻ kết hợp với việc huy động các tài năng mang dòng máu Việt từ khắp nơi trên thế giới về góp sức. Đó mới là một đội tuyển quốc gia Việt Nam của người Việt Nam và mang màu sắc Việt Nam.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()