“Đến tận ngõ, gõ từng nhà…”
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết năm 2015, đã có 70 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 76% dân số. Trong đó, cả nước có hơn chín triệu người tham gia BHXH theo hộ gia đình và vẫn còn hơn 16 triệu người chưa tham gia BHYT. Theo quy định của Luật sửa đổi một số điều của Luật BHYT, từ năm 2015, những người thuộc đối tượng tham gia BHYT tự nguyện sẽ tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhưng trên thực tế việc triển khai BHYT hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cấp xã, phường…
Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Vũ Xuân Bằng cho biết: Thời gian qua, BHXH Việt Nam và cơ quan BHXH các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn tới các đại lý ở cấp xã. Nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều đại lý còn áp dụng cứng nhắc, ảnh hưởng tới công tác triển khai chính sách BHYT. Theo quy định, việc đăng ký mua thẻ BHYT rất đơn giản. Mỗi hộ chỉ cần kê khai tên tuổi và số thành viên trong gia đình. Không cần phải phô-tô-cóp-py chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thẻ cũ. Chủ hộ chỉ cần ký tên và chuyển cho đại lý để mua thẻ BHYT. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn bắt người dân phải thực hiện các thủ tục nêu trên.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, trong những lần thực tế kiểm tra, giám sát chính sách BHYT tại nhiều xã cho thấy, việc triển khai phát hành thẻ BHYT tại địa phương còn nhiều vướng mắc, dù đã có hướng dẫn nhưng mỗi nơi triển khai một cách và chưa bám sát với nhu cầu thực tế của người dân. “Nơi thì bán BHYT ở UBND xã, nơi thì do Hội nông dân, Hội phụ nữ kiêm nhiệm, có nơi còn quy định rõ chỉ bán BHYT vào một số ngày trong tuần và vào giờ hành chính. Chưa kể, có nơi người dân sau ba tháng đăng ký mua mới nhận được thẻ BHYT… Luật BHYT đã nêu rõ, UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách các hộ gia đình, xem ai chưa tham gia BHYT thì vận động tham gia. Việc lập danh sách là quan trọng, nhưng trên cơ sở đó, phải xây dựng một đội ngũ cộng tác viên tích cực “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân tham gia BHYT. Cần làm sát sao và hiệu quả như công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình trước đây, chứ chúng ta chỉ tổ chức ở đại lý bưu điện, đại lý ở UBND xã rồi đợi người dân tới mua thì rất khó”, đồng chí Nguyễn Văn Tiên chia sẻ.
Vì vậy, cần phải có những thay đổi tích cực trong việc triển khai BHYT hộ gia đình trong thời gian tới. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên cho rằng, cần có chế tài quy định rõ trách nhiệm phát triển BHYT hộ gia đình. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam có thể đề nghị Chính phủ có quyết định biên chế cán bộ chuyên trách về BHYT ở cấp xã. Thí dụ như trạm y tế xã, phường có thể cử một cán bộ chuyên trách về việc này, đội ngũ cộng tác viên y tế tham gia phát triển đối tượng và được hưởng tỷ lệ % của thẻ BHYT. Trong công tác phát hành thẻ, cơ quan BHXH cũng cần thay đổi cơ chế cấp phát thẻ, có thể cấp phôi thẻ BHYT ngay khi người dân đóng tiền, như thế người dân sẽ yên tâm (nhưng giá trị sử dụng chậm lại theo đúng quy định hiện nay là sau 30 ngày)…
Chính quyền xã quản lý đối tượng BHYT hộ gia đình
Vừa qua, mô hình “Chính quyền cấp xã quản lý đối tượng BHYT theo hộ gia đình” đã được Trung tâm Nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) và Liên minh Vận động chính sách y tế (EBHPD) triển khai thí điểm tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 (từ tháng 8-2014 đến 8 tháng 2015) tập trung vào cấu phần một của mô hình về “chức năng quản lý đối tượng BHYT hộ gia đình của chính quyền xã”, các chuyên gia đánh giá độc lập đã nhận định rằng chính quyền thôn, xã hoàn toàn đảm nhiệm tốt chức năng quản lý đối tượng BHYT bằng việc phân công trách nhiệm minh bạch.
Trong đó, chính quyền thôn thực hiện chức năng tạo lập và duy trì sổ cái tích hợp thông tin BHYT theo hộ gia đình với thông tin di biến động dân số và an sinh xã hội khác. Chính quyền thôn cũng là nơi thực thi hoạt động cập nhật thông tin và báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu tổng hợp của chính quyền xã. Chính quyền xã thực hiện tổng hợp thông tin toàn xã, truy xuất, báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu của BHXH và các ban, ngành cấp trên; đồng thời thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động thu thập thông tin của tuyến thôn. Toàn bộ hệ thống thông tin được tổ chức lại theo hướng tin học hóa phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính và đáp ứng ngày càng thuận tiện cho cả người dân và cơ quan quản lý. Từ kết quả này, RTCCD và EBHPD đang tiếp tục đề xuất cùng BHXH Việt Nam hợp tác đưa vào triển khai nghiên cứu giai đoạn tiếp theo mô hình đầy đủ tại các khu vực kinh tế xã hội khác nhau.
Giám đốc Trung tâm RTCCD Trần Tuấn cho biết: Việc chính quyền cấp xã tham gia quản lý đối tượng và thực hiện BHYT hộ gia đình sẽ tạo nguồn thông tin chính xác, không tốn nhân lực, giảm thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí. Như dễ dàng phát hiện đối tượng trùng lắp thẻ và các đối tượng không có thẻ; cập nhật thông tin kịp thời của từng hộ gia đình trên địa bàn thôn, xã; tạo môi trường hoạt động cụ thể, gần dân, dễ giám sát chất lượng. Về phía người dân, sẽ được nhận thẻ BHYT nhanh chóng, tiện lợi, giảm bớt thủ tục phiền hà.
Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Vũ Xuân Bằng cho biết, mô hình này cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để có thể triển khai trên diện rộng. Trong thời gian tới, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ tăng cường công tác tuyên truyền tại các cấp cơ sở để người dân hiểu rõ hơn quyền lợi cũng như trách nhiệm khi tham gia BHYT theo hộ gia đình và có những biện pháp cụ thể để chính sách này đi vào đời sống.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 khuyến khích, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình với những chính sách ưu đãi hơn so với quy định cũ. Khi mua BHYT hộ gia đình, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể: Người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Năm 2016, mức đóng BHYT vẫn là 4,5% mức lương cơ sở. |
Ý kiến ()