Còn nhiều thách thức
Internet mang lại nhiều lợi ích cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (QTG). Tuy nhiên, môi trường internet cũng tạo điều kiện để các hành vi xâm phạm QTG được thực hiện một cách dễ dàng với mức độ thiệt hại cao hơn. Điều này đặt ra thách thức, trong đó có vấn đề về pháp lý đối với việc bảo hộ QTG.
Tràn lan vi phạm trên môi trường số
Phim “Bố già” là một dự án điện ảnh nổi bật đầu năm 2021. Sau thành công từ doanh thu phòng vé trong nước cũng như phát hành tại nhiều quốc gia, bộ phim được đưa lên ứng dụng xem phim trực tuyến trả phí Galaxy Play. Tuy nhiên, sau chưa đầy 24 giờ phát hành “Bố già” trên Galaxy Play, đã xuất hiện hàng chục đường link phim lậu với các tên miền: phimgiz, fullphimmoi, bilutvs, zingtvs… Không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh, trên thực tế, tình trạng xâm phạm QTG trong môi trường internet tại Việt Nam hiện nay khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các loại hình, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm âm nhạc, sân khấu, chương trình máy tính… Các hành vi xâm phạm QTG cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm… đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm…
Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ: Nguyên nhân khiến công tác bảo hộ quyền SHTT dù đã được quan tâm nhưng chưa như kỳ vọng một phần là do có nhiều cơ quan thực thi, nhất là thực thi hành chính, dẫn đến sự phối hợp chưa đồng bộ và thống nhất. Hơn nữa, việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT khá phức tạp, trong khi năng lực của các cơ quan chức năng còn hạn chế. Sự phổ biến của công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm tinh vi hơn, dễ thực hiện hơn, đặc biệt là các hành vi xâm phạm QTG trên môi trường internet… Về mặt pháp lý, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc SHTT Công ty Luật SBLAW cho biết: “Pháp luật Việt Nam đã có những quy định về chế tài trên các lĩnh vực hành chính, dân sự và hình sự đối với các bên thực hiện hành vi vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, việc thực thi quyền SHTT nói chung, QTG và quyền liên quan đến QTG nói riêng chủ yếu thông qua phương thức hành chính. Các biện pháp thực thi trong thực tế để bảo vệ quyền của bên bị xâm phạm vẫn còn nhiều vướng mắc, như: Khó khăn trong việc xác định chủ thể vi phạm (chủ sở hữu website giấu thông tin hoặc máy chủ ở nước ngoài); khó xác định thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm gây ra. Đồng thời chưa có cơ quan chuyên trách thực hiện việc giám định hành vi xâm phạm và mức phạt hiện còn thấp nên chưa đủ tính răn đe”.
Phim “Bố già” bị chiếu lậu trên internet. Ảnh chụp màn hình. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông chia sẻ: “Hiện nay, trong quản lý và thực thi QTG có nhiều cơ quan, đơn vị tham gia. Ngoài ra còn nhiều tổ chức tham gia hỗ trợ hoạt động của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) như: Trung tâm QTG văn học Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ QTG âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị này mới chủ yếu giải quyết vi phạm QTG trên môi trường thật mà thiếu hiệu quả với vi phạm trong môi trường số”.
Xử lý nghiêm, hoàn thiện quy định pháp luật
Để giải quyết thực trạng này, theo ông Nguyễn Quang Đồng, cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về QTG, quyền liên quan trên môi trường internet; tăng mức xử phạt hành chính và phải truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ điều kiện. “Việc ban hành Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19-6-2012 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong bảo hộ QTG, quyền liên quan trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông là một bước tiến về sự hợp tác liên bộ. Tuy nhiên, sự hợp tác này cần được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là ở giai đoạn thực thi. Một website âm nhạc bị khiếu nại đến Cục Bản quyền tác giả do phân phối các tác phẩm âm nhạc trái phép, vậy Cục Bản quyền tác giả sẽ xử lý hay phải chuyển cho thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính? Hoặc nếu có yêu cầu chặn địa chỉ IP để tránh phân phối trái phép thì thủ tục thực hiện như thế nào? Những vấn đề này cần có hướng dẫn cụ thể. Quá trình hợp tác giữa các cơ quan phải bảo đảm vừa không vượt quá thẩm quyền, vừa đạt được mục đích cuối cùng là ngăn chặn hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra”, ông Nguyễn Quang Đồng nêu ý kiến.
Ngoài yếu tố pháp lý, các chuyên gia về công nghệ cũng khuyến cáo cần có các giải pháp công nghệ phù hợp để ngăn chặn hành vi xâm phạm SHTT trên môi trường số. Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Mobile Land Việt Nam chia sẻ: “Cần tăng cường biện pháp chặn các trang thông tin vi phạm bản quyền và sử dụng công nghệ vào việc phát hiện, xử lý vi phạm. Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện nay, hoạt động quản lý bản quyền trên mạng internet chủ yếu thông qua biện pháp ngăn chặn mang tính kỹ thuật như triển khai hệ thống quản lý sao chép lậu (ICOP). Hệ thống này cho phép bằng biện pháp kỹ thuật nhận ra những điểm đặc biệt và tìm kiếm tự động, có thể giám sát tự động các nội dung bị sao chép trên internet và tự động yêu cầu làm gián đoạn quá trình sao chép…”.
Tới đây, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua, tạo cơ sở quan trọng để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm SHTT nói chung và vi phạm QTG và các quyền liên quan trên môi trường số nói riêng.
Ý kiến ()