Còn nhiều khó khăn trong giao dịch BHXH điện tử
Phần mềm quản lý hoạt động chưa ổn định, các mẫu biểu chưa thống nhất, tình trạng không tìm thấy hồ sơ trên ứng dụng quản lý, thao tác phức tạp, tốn nhiều thời gian, chưa hỗ trợ ngôn ngữ nước ngoài, chưa có chữ ký số... là những nguyên nhân được chỉ ra cho tình trạng không thể thực hiện giao dịch BHXH điện tử hiện nay.
Chiều 14-8, tại TP Hồ Chí Minh, để nhanh chóng thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam đã tổ chức tổng kết thực hiện thí điểm giao dịch thủ tục hành chính bằng hồ sơ điện tử về BHXH, BHYT tại mười tỉnh, thành gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ.
Báo cáo tổng kết của hội nghị nêu rõ :đến nay, sau hai năm thực hiện, số đơn vị tham gia giao dịch điện tử tại mười tỉnh thành thí điểm là hơn 37 nghìn, trong đó TP Hồ Chí Minhcó tới 33 nghìn đơn vị, chiếm 80% tổng số đơn vị thực hiện trên cả nước.
Đánh giá hiệu quả triển khai thí điểm của BHXH Việt Nam cho biết, đối với đơn vị tham gia BHXH, BHYT, có được công cụ lập thủ tục BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định ngành, hỗ trợ nhiều chức năng tự động giúp giảm thiểu sai sót khi kê khai.
Bên cạnh đó, việc nhận được các thông báo từ cơ quan BHXH (như thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, thông báo duyệt chi trợ cấp ngắn hạn, các văn bản của cơ quan BHXH…) qua phần mềm này đã góp phần giảm thiểu thời gian đi lại giao dịch với cơ quan BHXH và thời gian chờ đợi như trước đây.
Đơn vị cũng có nhiều phương thức lựa chọn khi giao dịch: giao dịch hồ sơ điện tử; giao dịch hồ sơ qua email với cơ quan BHXH, và có thể xem được kết quả giao dịch ngay trên iBHXH, ví dụ như hồ sơ trả ra đã có kết quả tại bộ phận một cửa sớm hơn ngày hẹn thì có thể đến lấy.
Đối với cơ quan BHXH, việc giảm tải về số lượng khách đến trực tiếp giao dịch hàng ngày, giải quyết công việc nhanh hơn và giảm thiểu phiền hà cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động cùng với việc bảo đảm được tính thống nhất, chính xác, tránh tình trạng tẩy xóa hồ sơ vì vậy rút ngắn được thời gian nhập dữ liệu và tích hợp dữ liệu vào phần mềm SMS… đã giúp cơ quan BHXH rất nhiều trong hoạt động nghiệp vụ. Việc khai thác dữ liệu của đơn vị chuyển đến đưa vào phần mềm SMS thuận lợi, thông tin lại cho đơn vị tham gia BHXH, BHYT qua phần mềm iBHXH kịp thời.
Tuy nhiên, với phần mềm giao dịch BHXH điện tử hoạt động chưa ổn định, còn chậm, tình trạng không tìm thấy hồ sơ trên ứng dụng vẫn xảy ra thường xuyên; thao tác phức tạp, tốn rất nhiều thời gian so với thao tác đang thực hiện… là những khó khăn mà các đơn vị thực hiện BHXH điện tử hiện đang gặp phải.
Đối với các đơn vị sử dụng lao động, việc chưa quen với việc sử dụng và chưa hiểu rõ những tiện ích khi sử dụng phần mềm giao dịch BHXH điện tử; Một số đơn vị không sử dụng mạng internet trong giờ làm việc, cán bộ làm công tác BHXH vấp phải áo lực lực từ phía chủ sử dụng lao động và việc vẫn phải in, ký và nộp lại cơ quan BHXH bộ hồ sơ giấy… là nguyên nhân khiến cho các tiện ích bị ngại áp dụng.
Để thực hiện có hiệu quả Luật BHYT, BHXH sửa đổi, đặc biệt là để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm số giờ thực hiện giao dịch thuế, hải quan, bảo hiểm, vấn đề đặt ra là cần phải bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn; Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Đồng thời thường xuyên đổi mới phương pháp và hình thức tuyên truyền phù hợp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quy trình, kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền.. cho cán bộ tham gia BHXH.
Trong đó, việc ban hành quy định về giao dịch hồ sơ điện tử, quy định các yêu cầu trong thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, thống nhất sử dụng cùng một phần mềm đồng bộ, phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan, Ngân hàng chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các ngành với nhau là rất quan trọng. Đồng thời, cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố cần khẩn trương nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
*Theo BHXH Việt Nam, hiện nay cơ quan BHXH đang tạm sử dụng máy chủ của công ty TS24 cho mượn, sắp tới khi triển khai mở rộng cần trang bị các máy chủ có cấu hình mạnh mới đáp ứng quy mô phát triển. Việc sử dụng hồ sơ điện tử, viên chức làm công tác thu phải xử lý công việc nhiều hơn, thường xuyên phải trả lời, hướng dẫn đơn vị trong quá trình tác nghiệp. Chi phí mua sắm máy chủ, các khâu tuyên truyền, tập huấn, đào tạo chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật sử dụng iQLBH, gia hạn chữ ký số (hiện nay công ty TS24 cung cấp miễn phí chữ ký số cho các bộ phận của cơ quan BHXH), trang bị các thiết bị đọc mã vạch cũng rất cần có khoản kinh phí nhất định để triển khai đạt được hiệu quả cao nhất, khi mà các máy trạm tại các phòng (nhất là Phòng Thu) có cấu hình yếu không tương thích với phần mềm cài đặt ứng dụng iBHXH nên khi nhận và xử lý dữ liệu khó thực hiện.
* Để thực hiệntốt công việc hạ tầng, tại hội nghị,Công ty TS24 đã cam kết: đối với cơ quan sử dụng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm phát triển và hỗ trợ lâu dài ứng dụng phần mềm iBHXH và cung cấp hoàn toàn miễn phí cho các đơn vị sử dụng lao động trên toàn quốc tối thiểu là 5 năm
Đối với cơ quan BHXH, DN có trách nhiệm phát triển và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí ứng dụng phần mềm iBHXH, đáp ứng các yêu cầu quản lý hồ sơ giao dịch điện tử ngành BHXH. Cam kết cung cấp dịch vụ BHXH điện tử đảm bảo tính bảo mật; thực hiện việc gửi, nhận và cung cấp đúng hạn toàn vẹn chứng từ điện tử theo thoả thuận với các bên tham gia giao dịch; lưu trữ kết quả các lần truyền, nhận và chứng từ điện tử trong thời gian giao dịch chưa hoàn thành; bảo đảm hạ tầng kết nối; các biện pháp kiểm soát, an ninh, an toàn, bảo mật, toàn vẹ thông tin; tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về viễn thông, Iternet và các quy định kỹ thuật, nghiệp vụ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()