Còn nhiều khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai
– Trong năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và 11 chi nhánh tại các huyện, thành phố đã tiếp nhận mới 36.829 hồ sơ của tổ chức, cá nhân và đã giải quyết 36.801 hồ sơ, đang giải quyết 28 hồ sơ. Trong số 36.801 hồ sơ đã giải quyết có 36.214 hồ sơ được giải quyết đúng hạn và có 587 hồ sơ giải quyết chậm hạn, tương đương 1,6%. Mặc dù tỷ lệ hồ sơ chậm hạn thấp nhưng trong thực tế, công tác giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn vướng mắc.
Ông Nguyễn Đại Dương, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho biết: Trong năm 2022, số hồ sơ đã giải quyết cho người dân, doanh nghiệp tăng hơn 6.000 hồ sơ so với năm 2021 (năm 2021 là 30.570 hồ sơ). Tuy nhiên, số hồ sơ chậm hạn vẫn còn và chưa làm hài lòng người dân và doanh nghiệp.
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Lạng Sơn tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
Nguyên nhân chính là hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính trong phạm vi toàn tỉnh đã có nhiều biến động chưa được cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên. Đặc biệt là bản đồ địa chính đất đô thị đã biến động trên 90% tổng số thửa đất và công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính do sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, khối phố khối lượng còn rất lớn. Điều này dẫn đến khi giải quyết các TTHC cho các đối tượng, đội ngũ cán bộ của văn phòng đăng ký đất đai phải mất nhiều thời gian để điều tra, xác minh, thẩm tra lại các thửa đất. Mặt khác, bản thân người dân khi được cán bộ văn phòng đăng ký hướng dẫn thực hiện bổ sung các thành phần hồ sơ thì việc hoàn thiện bộ hồ sơ bảo đảm hợp lệ rất chậm và chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính…
Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, chỉ riêng thực hiện việc chỉnh lý hồ sơ địa chính do sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, khối phố đến cuối năm 2022 còn tồn tới 238.800 giấy chứng nhận, 6.514 mảnh bản đồ địa chính và 1.137 quyển sổ sách các loại. Ngoài ra, tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chưa chủ động khai báo khi có biến động đất đai như: chuyển nhượng trái quy định, làm thay đổi hiện trạng, lấn chiếm đất đai gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai. Đặc biệt là công tác cập nhật, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính, thiếu đội ngũ cán bộ, điều kiện làm việc không bảo đảm, các hồ sơ sai lệch với thực tế.
Khảo sát thực tế tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Lạng Sơn vào ngày 11/1/2023 cho thấy khối lượng hồ sơ chi nhánh tiếp nhận và xử lý cho người dân bình quân một ngày lên tới 70 hồ sơ. Các hồ sơ chủ yếu thực hiện các TTHC về chuyển quyền sử dụng đất, giao dịch bảo đảm và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết thúc năm 2022, chi nhánh đã tiếp nhận 8.868 hồ sơ và đã giải quyết 8.723 hồ sơ, trong đó hồ sơ đúng hạn 8.433 hồ sơ và chậm hạn 290 hồ sơ. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Lạng Sơn có tỷ lệ hồ sơ chậm hạn cao nhất tỉnh, tương đương 3,3%.
Bà Trần Thị Hồng Chuyên, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong quá trình giải quyết các TTHC của người dân về đất đai tại thành phố cho thấy hệ thống hồ sơ địa chính chưa đồng bộ và còn thiếu hoặc hồ sơ địa chính đã được lập và quản lý qua nhiều giai đoạn và có sự sai khác giữa hồ sơ lưu và hiện trạng thực tế. Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ đất đai của người dân xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sự sai lệch rất lớn giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện trạng khu đất dẫn đến cán bộ chi nhánh phải thực hiện trình tự xác minh lại mất rất nhiều thời gian. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết các TTHC về đất đai cho người dân bị chậm hạn.
Bà Lê Thị Thu, trú tại khối 9 phường Vĩnh Trại đi làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho biết: Trong quá trình thực hiện thủ tục do thành phần hồ sơ có sự sai lệch nhiều giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực tế sử dụng dẫn đến phải đi lại nhiều nơi để xác nhận, hoàn thiện. Tuy nhiên, được bộ phận tiếp nhận hướng dẫn tận tình nên tôi đã nhận được kết quả đúng hẹn.
Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc giải quyết các TTHC về đất đai của người dân không chỉ xảy ra thường xuyên ở Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Lạng Sơn mà còn xảy ra ở hầu hết các huyện khác. Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung dưới dạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo dự án trước đây cho người dân xảy ra nhiều sai sót. Nay người dân thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận mới phát hiện hồ sơ đất đai bị chồng lấn thiếu chính xác phải xác minh lại; tình trạng người dân làm thay đổi mục đích, hiện trạng sử dụng đất được ghi trong giấy chứng nhận…
Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai, sở đã báo cáo UBND tỉnh về thực trạng hoạt động của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai. Đồng thời, Đảng uỷ sở cũng đã ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Trong đó, Đảng uỷ sở đặt ra mục tiêu giải quyết các hồ sơ đúng hạn đạt trên 98%; giải quyết các TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 đạt trên 70%. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số phục vụ quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường, phấn đấu hoàn thiện 30% cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành địa phương.
Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, vì vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai Lạng Sơn tiếp tục kiện toàn tổ chức, tham mưu đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường, với tỉnh cơ chế tài chính để tạo nguồn thu ổn định hơn cho văn phòng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động. Đẩy mạnh truyền thông tập trung hướng tới việc thực hiện tốt nhất cho người dân, công khai quy trình thực hiện để người dân biết và giám sát. Từ đó, từng bước nâng cao hoạt động của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Bà Dương Thị Hằng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cao Lộc
“Thực tế trong thời gian qua, việc giải quyết các TTHC về đất đai của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cao Lộc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, để tạo chuyển biến trong việc giải quyết các TTHC cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai trong năm 2023 tại chi nhánh cho người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, chi nhánh đang siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đổi mới tác phong, lề lối làm việc; nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ viên chức. Bên cạnh đó, chi nhánh tập trung tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn để thực hiện xác minh, đẩy nhanh giải quyết các hồ sơ đất đai cụ thể của người dân bảo đảm đúng hạn. Qua đó, giúp người dân thực hiện các quyền sử dụng đất của mình theo quy định của pháp luật”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chi Lăng
“Trong năm 2022, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chi Lăng đã tiếp nhận 3.378 hồ sơ, số hồ sơ đã giải quyết là 3.185 hồ sơ, trong đó có 3.153 hồ sơ đúng hạn và 32 hồ sơ chậm hạn. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các hồ sơ cho người dân chi nhánh gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, cán bộ còn thiếu, khối lượng công việc ngày càng lớn. Để tháo gỡ cũng như thúc đẩy giải quyết các TTHC cho người dân, một trong những giải pháp chi nhánh đang triển khai đó là phân rõ trách nhiệm của lãnh đạo chi nhánh trong việc theo dõi kiểm tra, đôn đốc giải quyết các hồ sơ của người dân. Trong quá trình giải quyết các hồ sơ của người dân, lãnh đạo, cán bộ chi nhánh thường xuyên thực hiện nguyên tắc làm hết việc chứ không làm hết giờ. Mục tiêu đặt ra là giải quyết nhanh nhất các hồ sơ để làm hài lòng người dân khi thực hiện giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai”.
TRANG NINH
Ý kiến ()