Còn nhiều khó khăn, bất cập trên tỉnh lộ 237 D
LSO-Tỉnh lộ 237D được làm từ những năm 1980 của thế kỷ trước, là tuyến đường huyết mạch giao thông nằm ở phía Đông-Nam của huyện Lộc Bình. Hiện nay, con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng, không những gây khó khăn cho nhân dân đi lại mà còn không đảm bảo an toàn giao thông khi người và phương tiện đi trên tuyến đường này…
Thầy cô giáo Trường tiểu học xã Xuân Dương khiêng xe máy qua suối Bản Lạu |
Tuyến tỉnh lộ 237D có chiều dài khoảng 38km, điểm đầu xuất phát tại thị trấn Na Dương, nối quốc lộ 4B với các xã Đông Quan, Nam Quan, Xuân Dương, Ái Quốc của huyện Lộc Bình và kéo dài tiếp giáp huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đây là tuyến đường độc đạo, quan trọng, từ khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển, trao đổi nông sản hàng hóa với thị trường các vùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, con đường đã xuống cấp nghiêm trọng, ai đã từng có mặt trên tuyến đường này mới có thể cảm nhận hết nỗi vất vả của người dân nơi đây. Trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội, nước đọng thành ổ gà, ổ trâu gây khó khăn cho giao thông toàn tuyến. Ông Phan Văn Nhung, ở thôn Thồng Niểng, xã Đông Quan cho biết: trời nắng vẫn phải đi ủng, khỏi bị bùn bẩn quần áo. Qua khảo sát thực tế từ thị trấn Na Dương đến xã Ái Quốc trên toàn tuyến này đều đã xuống cấp nghiêm trọng, lòng đường bị biến dạng gập ghềnh thành những ổ trâu, ổ voi đất đá lởm chởm, bánh xe ô tô đi lại tạo thành rãnh, sâu tới 30-50cm như đoạn đi qua các thôn Thổng Niểng- Nà Tủng đến Nà Ing mặt đường bị thu hẹp, nhiều khúc cua hiểm trở. Trời mưa thì trơn, lầy lội, trời nắng thì bụi, người và phương tiện khi tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, đoạn đường qua suối Hang Ủ, suối Pác Lạy thuộc thôn Bản Lạu, xã Xuân Dương và suối Khuổi Trả, thuộc xã Ái Quốc, do chưa được làm cầu, nên hàng ngày người dân đi lại phải lội nước qua suối. Trời mưa nước dâng cao phải khiêng xe máy hoặc thuê bè mảng kéo qua suối, rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, thậm chí khi nước suối lũ to, hoạt động giao thông phải ngừng trệ.
Theo khảo sát của chúng tôi, cả tuyến đường dài khoảng 38 km, có đoạn uốn lượn giữa sườn núi, vực sâu hiểm trở nhưng chưa được trang bị hộ lan, biển báo tín hiệu giao thông. Ngoài ra, hầu hết các cột mốc cây số đã cũ, chữ mờ, người đi đường không nhìn thấy rõ thông tin. Nói về nguyên nhân của tình trạng xuống cấp này, ông Vy Văn Lợi, Bí thư Đảng Uỷ xã Nam Quan cho biết: nhiều năm nay, tuyến đường này không được nâng cấp, cải tạo, lưu lượng xe qua đây mỗi ngày lại rất lớn, đặc biệt là các xe ô tô chở gỗ quá tải, khiến mặt đường bị hư hỏng, rạn nứt, tạo thành những ổ gà, ổ voi rất nguy hiểm đối với người và phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, chất lượng của của tuyến đường này rất kém, chủ yếu là đường đất, nên mặt đường gồ ghề, lồi lõm, thành những hố, rãnh sâu. Theo lãnh đạo Đảng uỷ của các xã Đông Quan, Nam Quan và Xuân Dương, việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo sự bền vững của tuyến đường là việc làm hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, đây là đường tỉnh nên không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cấp xã.
Một điều đáng quan tâm là sự xuống cấp của tuyến tỉnh lộ 237D không những gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đáng kể đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Xuân Dương chia sẻ: việc vận chuyển cây, con giống, vật tư, phân bón để phục vụ sản xuất của người dân còn gặp nhiều khó khăn; nông sản của bà con làm ra bị tư thương ép giá, do cước vận chuyển cao nên phải bán giá thấp hơn so với thị trường. Bên cạnh đó, việc đi học và dạy học ở địa phương đôi khi bị gián đoạn, nhất là vào mùa mưa, nước suối lũ to, học sinh và giáo viên không thể đến lớp được. Em Đặng Thị Phẩy, học sinh lớp 7A, Trường PTDT Bán trú, THCS xã Ái Quốc bộc bạch: “cứ lúc nào mưa, nước suối Khổi Trả dâng cao thì lại nghỉ học ở nhà”.
Theo ông Triệu Hữu Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Ái Quốc: trời mưa việc đi lại rất khó khăn, từ xã ra đến thị trấn Na Dương khoảng 38 km, phải đi xe máy từ 3-4 giờ đồng hồ mới tới nơi. Trong cơn bão số 14 năm 2013, sản phụ Dương Thị Quyên, ở thôn Nóc Mò bị bệnh nặng, phải đưa đi bệnh viện huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thì mới kịp thời cấp cứu. Tương tự em Nông Thị Hồng, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học xã Xuân Dương, tháng 4/2014 vừa qua, bị bệnh ruột thừa cũng phải đưa đi bệnh viện huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để cấp cứu.
Đoạn đường lầy lội thuộc xã Nam Quan (Lộc Bình) |
Tuyến tỉnh lộ 237D có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của các xã Đông Quan, Nam Quan, Xuân Dương và Ái Quốc.Vì vậy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có biện pháp xây dựng tuyến đường này, tạo điều kiện cho nhân dân các xã đi lại thuận lợi và thực hiện mục tiêu dựng nông thôn mới trên địa bàn.
THẾ BẢO
Ý kiến ()