Còn nhiều khó khăn
Chế biến hồi tại Công ty Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn |
Năm 2007, hồi Lạng Sơn được cấp đăng bạ bảo hộ CDĐL. Từ đó, hồi từng bước phát triển về diện tích trồng và sản phẩm hồi gia nhập vào nhiều thị trường trong nước, quốc tế. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 35.500 ha hồi với sản lượng đạt trên 10.000 tấn hồi khô/năm, đem lại tổng giá trị khoảng 600 tỷ đồng/năm. Hồi Lạng Sơn không chỉ xuất bán ở trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như: Nhật Bản, Mỹ, Dubai, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc. Hiện tại, sản phẩm đang trong quá trình xây dựng và phấn đấu được bảo hộ thương hiệu tại Châu Âu.
Ở Lạng Sơn có 3 doanh nghiệp được cấp quyền sở hữu chứng nhận CDĐL và khoảng 300 hộ là thành viên của Hội Sản xuất, chế biến và kinh doanh (SXCB&KD) hồi. Tuy sản phẩm hồi được bảo hộ CDĐL nhưng trên thực tế, giá hoa hồi vẫn trôi nổi, bấp bênh; khi xuất khẩu sang thị trường một số nước trên thế giới thì không đảm bảo chất lượng và sức cạnh tranh. Cụ thể trong những năm gần đây, giá hoa hồi tươi dao động từ 18-30 nghìn đồng/kg. Bà Hoàng Thị Bợi, thôn Phai Danh, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia cho biết: Trong quá trình trồng, chăm sóc hồi, chúng tôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất. Hồi chủ yếu được bán tươi cho tư thương nên thường thì rơi vào cảnh “được mùa mất giá, mất mùa được giá”.
Ông Nguyễn Công Hà, Phó Chủ tịch Hội SXCB&KD hồi Lạng Sơn cho biết: Sản phẩm hồi chủ yếu do tư thương đến tìm mua và bán sang Trung Quốc, giá là do phía Trung Quốc quyết định nên người trồng hồi thường bị ép giá.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên có thể kể đến là việc kiểm soát chất lượng, nguồn lực nhu cầu sử dụng CDĐL còn hạn chế. Trong kiểm soát chất lượng, hiện tại, ngoài cơ quan quản lý là Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thì chưa có tổ chức tập thể nào khác đứng ra kiểm soát. Điều này dẫn đến tình trạng cơ quan nhà nước chỉ có thể đánh giá và quản lý bao quát còn việc tuân thủ, kiểm tra nội bộ và ngoại vi thì chưa có một tổ chức nào chịu trách nhiệm. Hơn nữa, đến nay cũng chưa có quy định đạt chuẩn cho chất lượng sản phẩm đầu ra; chưa có tem nhãn chứng nhận chất lượng riêng và tem truy xuất nguồn gốc dán trên bao bì sản phẩm. Không chỉ thế, nhu cầu sử dụng CDĐL cũng còn hạn chế. Ông Trần Hữu Đắc, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng: Việc SXCB&KD hồi trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo phương thức truyền thống mà chưa hình thành các chuỗi cung ứng khép kín. Phần lớn người trồng hồi không có nhu cầu sử dụng CDĐL vì thường bán hồi tươi, sản phẩm thô cho các nhà chế biến.
Trước những khó khăn, thách thức trên, để sản phẩm hồi Lạng Sơn ngày càng phát huy thế mạnh, khẳng định tốt thương hiệu, thời gian tới, các ngành, các cấp liên quan cần xây dựng hệ thống pháp lý; có hỗ trợ thúc đẩy CDĐL trên thị trường gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; xây dựng mô hình tổ chức quản lý phù hợp với đặc trưng và điều kiện của sản phẩm.
Ý kiến ()