Còn nhiều khó khăn
LSO-Hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) được kỳ vọng là phương thức huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế. Tuy nhiên thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dự án mở rộng, chỉnh trang đường Hùng Vương đoạn qua xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn dự kiến được triển khai thi công trong quý IV/2017 theo hình thức đối tác công – tư |
Lúng túng ở khâu chuẩn bị đầu tư
Do mới triển khai đầu tư theo hình thức PPP nên quá trình lập, thẩm định đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi của các nhà đầu tư còn nhiều lúng túng. Hạn chế lớn nhất là các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư chưa tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về dự án PPP. Vì vậy, việc hướng dẫn nhà đầu tư lập đề xuất dự án; thẩm định dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi còn nhiều sai sót. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thường “chạy” theo đề xuất dự án của nhà đầu tư, chưa quan tâm tới thứ tự ưu tiên đầu tư theo mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, các dự án PPP đều là những dự án đầu tư, trong đó nhà đầu tư tư nhân tìm kiếm lợi nhuận, do vậy lợi nhuận phải đủ lớn để nhà đầu tư có thể hoàn vốn như trong các điều kiện kinh doanh bình thường. Trong khi đó, việc bố trí một dự án khác để hoàn vốn vẫn phải thực hiện theo đúng trình tự nhà nước quy định dẫn đến quá trình thương thảo hợp đồng thiếu đồng thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
Mặt khác, một số nhà đầu tư và cơ quan nhà nước còn có những cách hiểu khác khau đối với dự án PPP, nhất là các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng BT (xây dựng – chuyển giao). Khi mới đề xuất dự án BT, các nhà đầu tư đều hiểu sẽ được thanh toán bằng quỹ đất tại chỗ, từ đó nhà đầu tư phân lô bán nền để thu hồi vốn. Trong khi quy định của nhà nước, dự án BT phải lập riêng và nhà nước phải bàn giao cho nhà đầu tư quỹ đất có giá trị tương đương với dự án BT từ đó nhà đầu tư lập một dự án khác để kinh doanh thu hồi vốn.
Còn nhiều khó khăn
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện tỉnh đang đề xuất 15 dự án thực hiện theo hình thức PPP. Trong đó, có 14 dự án thực hiện theo hình thức BT và 1 dự án theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đang bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc khác như: đội ngũ cán bộ tham mưu cho tỉnh còn thiếu kinh nghiệm về triển khai dự án theo hình thức PPP dẫn đến việc áp dụng, triển khai còn chậm. Công tác giám sát nhà nước đối với các dự án BT, BOT tại điều 47 và 48 Nghị định 15/2015/NĐ-CP chưa rõ ràng, cụ thể… Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh nhiều huyện chủ động đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, nhưng Nghị định 15 vẫn chưa hướng dẫn đối với các dự án PPP thuộc thẩm quyền cấp huyện, gây khó khăn trong việc thực hiện dự án
Bên cạnh đó, việc lựa chọn dự án khác và xác định giá trị dự án để hoàn vốn hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ông Sầm Văn Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Cửa Đông cho biết: Khi triển khai dự án khác để hoàn vốn, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất thương mại để kinh doanh hoàn vốn.
Được biết, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Cửa Đông đang thực hiện tư vấn lập dự án đối với 4 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Trong đó, dự án khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Lạng Sơn đã được tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; dự án mở rộng chỉnh trang đường Hùng Vương đã được tỉnh phê duyệt đề xuất dự án.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn này, tỉnh đang xây dựng văn bản quy định về trình tự thủ tục thực hiện dự án đối tác công – tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Văn bản này dự kiến được phê duyệt trong tháng 8/2017.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()