Còn nhiều khó khăn
LSO-Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ rau an toàn (RAT), Công ty chợ Lạng Sơn đã bố trí 10 ki-ốt cho các hợp tác xã trồng RAT thuê để bán rau. Tuy nhiên, việc tiêu thụ RAT hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, lượng RAT tiêu thụ hằng ngày còn thấp.
Xã viên của HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông bán rau tại ki-ốt chợ Bờ Sông – Ảnh: THANH SƠN |
Đầu ra không ổn định
Từ nhiều năm trước chứ không phải đến bây giờ bà con nông dân mới biết đến lợi ích của trồng RAT. Theo bà con, nếu việc tiêu thụ ổn định thì trồng RAT cho thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa. Mặc dù đã được ngành công thương, chính quyền địa phương hỗ trợ, nhưng thực tế, việc tiêu thụ RAT vẫn còn gặp khó khăn.
Bà Hà Thị Kết, Phó Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông chia sẻ: Hiện HTX có 43 hộ tham gia trồng RAT trên diện tích 8,5 ha. HTX chúng tôi tham gia bán rau tại ki – ốt ở chợ Bờ Sông, thế nhưng đầu ra của RAT hiện nay không ổn định, không có địa chỉ tiêu thụ cố định. Vì thế, để tiêu thụ rau, bà con xã viên đã tận tình ship rau đến từng hộ gia đình, kể cả khi họ chỉ mua 1 – 2 bó rau muống.
Không chỉ HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông gặp khó, mà tất cả các HTX đang thuê ki – ốt để bán RAT tại khu vực chợ Bờ Sông hiện đều trong tình trạng như vậy. Chị Hoàng Thị Dung, đại diện bán hàng cho HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm (ở thôn Nà Chuông, xã Mai Pha) cho biết: Trung bình mỗi ngày tại ki – ốt chỉ bán được từ 20 – 30 kg RAT, ngày nhiều thì được khoảng 50 kg, có ngày ít thì chỉ bán được khoảng 200 nghìn đồng tiền rau. Trong khi đó, HTX hiện đang có 20 hộ tham gia trồng rau trên diện tích khoảng 3 ha. Sản lượng tiêu thụ quá ít so với khả năng của các hộ, vì vậy, các hộ trong HTX còn phải cân đối thu hoạch để đủ lượng bán hằng ngày.
Giống như Nà Chuông, HTX trồng rau củ quả sạch Gia Cát có 31 hộ đang tham gia trồng rau củ sạch với diện tích 4,3 ha. Rau vụ hè năm nay lượng tiêu thụ không được bao nhiêu, mỗi ngày chỉ tiêu thụ từ 20 – 40 kg. Bà con trồng RAT phải tìm thị trường bằng cách tự đi tiếp thị để đưa RAT vào các nhà hàng với mong muốn sản lượng tiêu thụ tăng lên.
Hầu hết các hộ tham gia vào HTX trồng RAT đều nghĩ rằng, khi đã được chứng nhận là RAT, rau sạch thì chắc chắn sẽ bán được sản phẩm. Nhưng thực tế cho thấy, việc tiêu thụ sản phẩm không hề thuận lợi.
Bà Hà Thị Kết sắp xếp lại các loại rau an toàn bán tại ki-ốt khu chợ Bờ Sông |
Cần giải pháp hữu hiệu
Một trong những nguyên nhân của tình trạng khó về đầu ra cho RAT được xác định là do người tiêu dùng chưa có khái niệm phân biệt rau sản xuất theo quy trình an toàn với rau trồng truyền thống. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng rau trồng ra, mang đến tận các ki – ốt rồi nhưng vẫn rất hiếm người mua.
Ông Hoàng Văn Thuận, Phó Giám đốc HTX trồng rau củ quả sạch Gia Cát cho biết: Việc trồng RAT vẫn chỉ dừng lại ở mức thí điểm, khuyến khích, do vậy, diện tích trồng RAT vẫn ít hơn hẳn so với diện tích trồng rau theo phương pháp cũ. So sánh chi phí thì trồng RAT cao hơn, do vậy, giá bán RAT cũng cao hơn 1 chút so với giá rau trồng theo phương pháp truyền thống. Vì vậy, đầu ra của RAT gặp khó khăn hơn. Để đầu ra của RAT thuận lợi, cần phải có chiến lược lâu dài, định hướng cụ thể cho người tiêu dùng về việc tiêu thụ RAT.
Ông Bế Thanh Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Bà con trồng RAT ở các xã: Tân Liên, Gia Cát của huyện Cao Lộc, thời điểm trồng thí điểm 4 ha, sản lượng còn ít, việc tiêu thụ chưa gặp khó, nhưng nay, khi diện tích tăng lên 10 ha, sản lượng rau sản xuất ra tăng lên thì việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn. Nhận thấy khó khăn này, tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin kịp thời về thị trường cho bà con trồng rau, đồng thời gắn kết thị trường tiêu thụ với người trồng rau, hỗ trợ cho bà con trồng RAT trong khâu kinh doanh và tiêu thụ.
Không chỉ huyện Cao Lộc, chính quyền thành phố Lạng Sơn cũng đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tìm kiếm, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm RAT cho bà con. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tích cực tìm đối tác tiêu thụ cho sản phẩm RAT.
Hiện hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng hành cùng các HTX nông nghiệp để nhập RAT. Cùng đó, một số khách sạn, nhà hàng cũng chưa sẵn sàng nhập sản phẩm RAT. Nguyên nhân được xác định là do giá cao. Như vậy, việc khó về đầu ra sẽ dẫn đến tình cảnh “lời ăn, lỗ chịu”, gây khó khăn cho các HTX nông nghiệp trồng RAT. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()