Còn nhiều khó khăn
LSO-Mặc dù so với nhiều địa phương khác, vận tải thủy nội địa ở Lạng Sơn không sôi động song tình trạng hoạt động tự phát, thiếu những điều kiện đảm bảo an toàn của các phương tiện thủy nội địa đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho công tác đảm bảo TTATGT.
Thuyền máy chuyên chở hàng hóa qua biên giới trên sông Kỳ Cùng qua xã Đào Viên (Tràng Định) |
Cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra hoạt động vận tải của phương tiện thủy nội địa tại đoạn sông Kỳ Cùng thuộc xã Đào Viên, huyện Tràng Định. Đây là điểm có số lượng thuyền máy nhiều nhất so với toàn tỉnh với 57 thuyền gắn động cơ (công suất 20 mã lực), trong đó hiện có khoảng 10-15 thuyền thường xuyên hoạt động. Vào thời điểm được kiểm tra, một vài phương tiện trong số này đang được sử dụng để vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới, tuy nhiên các thuyền đều không có trang thiết bị an toàn như dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, dụng cụ chữa cháy…; người lái và người ngồi trên thuyền đều không có áo phao. Không chỉ vậy, các thuyền máy này đều chưa có đăng ký, chưa được kiểm định về an toàn kỹ thuật.
Theo ông Đàm Ngọc Minh, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, Tràng Định có 3 con sông chảy qua gồm Kỳ Cùng, Bắc Khê và Bắc Giang. Do đó, các phương tiện thủy nội địa như bè mảng, thuyền máy thường được người dân một số xã, thị trấn sử dụng làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ngoài khu vực bến Nà Mằn xã Đào Viên, ở một số xã khác như Hùng Việt, Kháng Chiến… đang tồn tại những bến đò ngang, người dân sử dụng bè mảng để qua sông. Các bến bãi này hầu hết là tự phát và người tham gia giao thông đường thủy chưa chú ý chấp hành quy định mặc áo phao, mang dụng cụ nổi khi qua sông nên nguy cơ mất ATGT luôn tiềm ẩn.
Theo số liệu của Sở GTVT, Lạng Sơn có 7 dòng sông chính: Kỳ Cùng, Bắc Khê, Bắc Giang, Lục Nam, sông Thương, sông Trung và sông Hóa với tổng chiều dài khoảng 360km. Do địa hình rừng núi phức tạp, hầu hết các sông chảy trên địa bàn đều thuộc thượng lưu, nước sông cạn hoặc chảy xiết, nhiều thác ghềnh nên hoạt động vận tải của phương tiện thủy nội địa gặp nhiều hạn chế, chủ yếu là phương tiện hoạt động trên một số đoạn sông và phương tiện thô sơ như bè mảng tre, các thuyền nhỏ không gắn động cơ phục vụ dân sinh đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản…
Trong tháng 3 và tháng 4/2014, Sở GTVT phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh đã triển khai đợt kiểm tra hoạt động vận tải của các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm về ATGT đường thủy nội địa, bất cập trong công tác quản lý, từng bước đưa hoạt động vận tải thủy nội địa đi vào nền nếp. Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại TP Lạng Sơn, 6 huyện: Hữu Lũng, Tràng Định, Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia và yêu cầu các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Đình Lập, Văn Lãng báo cáo tình hình hoạt động của các phương tiện thủy nội địa. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 67 thuyền gắn động cơ, 3 thuyền không gắn động cơ (chủ yếu ở Tràng Định, Hữu Lũng, TP Lạng Sơn); 120 mảng tre, đò gỗ; 24 địa điểm có bến đò ngang hoạt động với 123 phương tiện (chủ yếu ở Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Quan và Bình Gia). Qua kiểm tra cho thấy: các phương tiện thủy nội địa đều do chủ phương tiện tự đóng, không có thiết kế và hồ sơ gốc, hầu hết chưa đăng ký, chưa đăng kiểm hoặc đăng kiểm đã hết hạn; chủ phương tiện chưa quan tâm đến công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện; trang thiết bị an toàn không có hoặc đã cũ, không đảm bảo an toàn.
Thêm vào đó, người điều khiển phương tiện đều chưa có bằng lái và chứng chỉ chuyên môn hoặc qua các lớp tập huấn về điều khiển phương tiện thủy nội địa và ATGT thủy nội địa (100% số thuyền gắn động cơ và không gắn động cơ, người điều khiển đều không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn). Các bến đò ngang, bến bãi đều chưa được cấp phép hoạt động vận tải, hiện tại hầu hết các điểm đỗ, tập kết phương tiện đều là tự phát, không có nhà chờ, biển báo, đường lên xuống cho hành khách và bãi bốc dỡ hàng hóa, ngay cả ở khu vực cửa khẩu Bình Nghi, thuộc xã Đào Viên (Tràng Định) – nơi tập trung số lượng lớn thuyền máy chuyên chở hàng hóa qua biên giới mặc dù đã hình thành từ lâu xong bến bãi cũng chưa đảm bảo yêu cầu.
Ông Hoàng Đình Tuệ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: đợt kiểm tra hoạt động vận tải của các phương tiện thủy nội địa cho thấy công tác quản lý vận tải đường thủy trên địa bàn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn sẽ có những đề xuất, kiến nghị với các cấp, ngành chức năng về việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn, bằng lái cho người điều khiển phương tiện…
Trước mắt, để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, Sở GTVT tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các quy định về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa đến chủ phương tiện, người lái và người tham gia giao thông đường thủy. Đồng thời tham mưu cho UBND, Ban ATGT tỉnh trang bị thêm áo phao, dụng cụ nổi cho chủ phương tiện thủy nội địa tại các bến ngang sông có nhiều người qua lại, chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải và điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi lưu thông trên sông nước.
BẢO VY
Ý kiến ()