Còn nhiều hạn chế
LSO-Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội là sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu của con người, kéo theo lượng phát sinh rác thải sinh hoạt ngày càng tăng. Mặc dù công tác quản lý rác thải trong sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý vẫn còn nhiều hạn chế.
Xã viên Hợp tác xã Tiến Đạt Lộc Bình thu gom rác thải |
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lượng rác thải trong sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh trung bình khoảng 150 – 200 tấn/ngày. Tại khu vực thành phố và trung tâm các huyện, hiện đều đã có công ty, hợp tác xã thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải. Tuy nhiên, vấn đề quan ngại nhất hiện nay không phải là ở số lượng rác lớn mà là ở chủng loại rác ngày một đa dạng, điều này khiến các đơn vị thu gom rác gặp khó khăn trong việc xử lý rác.
Như trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, lượng rác thải sinh hoạt trung bình từ 80 – 100 tấn/ngày. Hiện khoảng 90% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đã được thu gom. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rác vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Ông Đinh Trọng Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng (đơn vị phụ trách thu gom rác trên địa bàn thành phố) cho biết: Mỗi ngày thành phố Lạng Sơn thải ra các chất thải sinh hoạt lẫn lộn từ 20 – 24 thành phần khác nhau; mức gia tăng của khối lượng chất thải rắn đô thị khoảng từ 10 – 15%. Sau khi được thu gom từ các nguồn phát sinh, hầu hết lượng rác thải đều được vận chuyển đến bãi chôn lấp. Với hệ thống như hiện nay, hằng năm, mặc dù đã phải chi nhiều tỷ đồng cho công tác quét dọn vệ sinh, thu gom, trung chuyển, vận chuyển và chôn lấp, nhưng thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề trong xử lý rác, nhất là rác thải rắn.
Từ giữa năm 2013 đến nay, Công ty TNHH Huy Hoàng đã triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn, qua đó góp phần làm giảm khối lượng rác thải đưa đến bãi chôn lấp. Tuy nhiên, việc phân loại rác này vẫn còn hạn chế, bởi nguyên nhân đầu tiên là chính người dân chưa thực hiện phân loại bước đầu. Cùng đó, đơn vị xử lý cũng chỉ thực hiện phân loại thủ công ở mức độ qua loa.
Ngoài thành phố thì hầu hết tại các huyện, vấn đề thu gom, xử lý rác đều thực hiện theo phương pháp truyền thống (thu gom sau đó chở đi chôn lấp). Ông Nguyễn Tiến Hòa, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Tiến Hòa (đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện Văn Lãng và 2 cửa khẩu là Tân Thanh và Cốc Nam) cho biết: Mỗi ngày doanh nghiệp thu gom từ 80 – 100 m3 rác thải sinh hoạt. Hiện đơn vị chỉ thu gom, sau đó chở đến bãi rác Tân Lang để thực hiện chôn lấp. Việc phân loại rác thải hầu như chưa thực hiện được. Việc chôn lấp rác thải sinh hoạt như hiện nay khiến bãi rác Tân Lang dần quá tải, và theo dự kiến thì bãi rác Tân Lang chỉ có thể thực hiện chôn lấp đến năm 2020. Theo ông Hòa, ngoài huyện Chi Lăng, doanh nghiệp thu gom rác thải trên địa bàn mạnh dạn đầu tư lò có công nghệ đốt rác, thì hiện chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã thu gom rác trên địa bàn tỉnh thực hiện đầu tư công nghệ như vậy. Việc xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng: Nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, khắc phục và cải tạo môi trường, đặc biệt là nỗ lực xử lý rác thải. Nhưng do điều kiện kinh phí, cơ sở xử lý rác thải còn thiếu nên khâu xử lý rác trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là chôn lấp. Trong khi đó, rác thải thì có rất nhiều loại, có loại có thể phân hủy sau khi chôn, nhưng có loại thì không thể phân hủy như: rác thải rắn, rác thải y tế, ni-lông, nhựa…
Theo thống kê của ngành môi trường, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày có đến 30 – 50% lượng rác chứa những hợp chất có thể tái chế, nhưng hiện tại chúng ta mới chỉ phân loại và tái chế được 10% trong số đó mà thôi. Nguyên nhân chính là kinh phí đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải khá cao nên hiện các doanh nghiệp, đơn vị thu gom rác trên địa bàn vẫn chưa mạnh dạn đầu tư.
Được biết, từ năm 2013 đã có đơn vị khởi công nhà máy xử lý, tái chế rác thải (xây dựng trên địa bàn xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn), nhưng dự án này hiện vẫn chưa được nhà đầu tư triển khai thi công.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()