Còn nhiều bất hợp lý
LSO-Thực hiện Chỉ thị 1095/CT-TCĐBVN ngày 21/3/2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về đồng loạt triển khai kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm, tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra hơn 6.000 đầu phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm về tải trọng.
Trong đó có tới gần 850 đầu xe chiếm khoảng 15% số phương tiện vi phạm vượt tải trọng từ 10% trở lên bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý; thực hiện hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe đối với gần 400 trường hợp. Đáng chú ý, trong hơn 1 năm thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải cơ giới đường bộ, tình trạng chủ phương tiện lách luật vi phạm tải trọng mức độ dưới 10% rất phổ biến. Bởi theo quy định hiện hành, mức vi phạm này chỉ bị nhắc nhở không bị xử phạt.
Kiểm soát tải trọng xe tại quốc lộ 1, địa phận xã Hoàng Đồng |
Theo ông Vi Hoàng Hiệp, cán bộ Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn) làm việc tại Trạm Kiểm tra tải trọng lưu động trên quốc lộ 1A, tình trạng vi phạm tải trọng xe dưới 10% chiếm tới 70% số xe được kiểm tra trong hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 1095 của Tổng cục Đường bộ. Hầu hết số phương tiện vi phạm là vận chuyển các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất nhập khẩu qua biên giới, xe chở vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng như xi măng, cát và một số mặt hàng khác. Theo điều 1, điểm 4 quy định tại Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 thì xử phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng đối với những trường hợp: chở hàng vượt trọng tải từ 10% đến dưới 40% đối với phương tiện chở hàng có trọng tải dưới 5 tấn; trên 10% đến dưới 30% đối với phương tiện chở hàng có trọng tải trên 5 tấn trở lên và trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Điều này có nghĩa, đối với những trường hợp vi phạm dưới 10% trọng tải sẽ không bị xử phạt. Trong bối cảnh nhà nước đang kiểm soát ngặt nghèo đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa chở quá tải, thì đây chính là kẽ hở để các chủ phương tiện vô tư thực hiện lách quy định. Có những phương tiện sợ vi phạm quá tải đến 11% khi bị cơ quan chức năng đưa vào trạm kiểm tra tải trọng nên đã xả bớt vật tư trên xe để lách luật. Đáng lo ngại hơn là đối với những xe có số lượng trục lớn (trục đơn, trục đôi, trục ba) với tải trọng tới 48 tấn, chở vượt tải trọng dưới 10% tức là khi tham gia giao thông phương tiện này chở thêm khoảng 4,5 tấn. Như vậy, tổng tải trọng của những phương tiện này được phép tham gia giao thông tới gần 53 tấn. Đối với hệ thống đường bộ của Việt Nam như hiện nay và tốc độ tăng trưởng của phương tiện vận tải tham gia giao thông ngày càng lớn thì kết cấu các tuyến đường bộ rất nhanh xuống cấp. Trong khi đó xu hướng các doanh nghiệp sử dụng phương tiện đầu kéo (với nhiều trục xe) để vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng.
Thời gian qua, lĩnh vực kiểm tra, xử lý vi phạm về kích thước thùng xe công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ được tỉnh thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, trong hơn một năm triển khai vẫn còn tới 105 đầu xe tải tự đổ vi phạm về thay đổi kết cấu, cơi nới thùng hàng (khi kiểm định đã bị tháo bỏ phần cơi nới nhưng khi kiểm định xong lại lắp lại) bị cơ quan thanh tra giao thông xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn tới hàng chục đầu phương tiện xe tải tự đổ phải thay đổi kết cấu thùng xe nhưng chưa xử lý được do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan cấp trên. Bởi thực tế không một chủ phương tiện nào tự nguyện bỏ kinh phí để giảm khả năng vận chuyển hàng hóa đối với chính phương tiện của mình.
Một bất hợp lý khác đó là hệ thống hạ tầng phục vụ công tác hạ tải, bảo quản hàng hóa đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa vượt quá trọng tải cho phép còn rất thiếu và yếu. Nhất là đối với các loại xe chở hàng đông lạnh, hàng tươi sống, xe chở xăng dầu, xe bồn, xe công – ten- nơ kẹp chì …
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()