Còn nhiều bất cập khi liên thông kết quả xét nghiệm
TS, BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ quan điểm, việc công nhận kết quả xét nghiệm không nên thực hiện cứng nhắc mà còn căn cứ vào diễn biến, tình trạng và đáp ứng của bệnh nhân với điều trị.
38 bệnh viện chính thức liên thông kết quả xét nghiệm từ ngày 1-8 vừa qua. Việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện tuyến Trung ương mà Bộ Y tế đang thực hiện là bước đệm tiến tới việc hồ sơ, dữ liệu, tình trang bệnh sử của bệnh nhân tại các cơ sở y tế được chuẩn hóa, đồng bộ và liên thông với nhau để việc quản lý sức khỏe của bệnh nhân đạt nhiều lợi ích.
Để liên thông xét nghiệm, câu chuyện từng được nhiều bác sĩ đặt ra, là các phòng xét nghiệm đều phải đạt một chuẩn chung, từ đó tạo bước đệm tiến tới việc hồ sơ, dữ liệu, tình trang bệnh sử của bệnh nhân tại các cơ sở y tế được chuẩn hóa, đồng bộ và liên thông với nhau. Bất kỳ một xét nghiệm chụp chiếu ở bệnh viên nào, chỉ cần có mã số bệnh nhân, bệnh viện đều có thể theo dõi khiến việc quản lý sức khỏe của bệnh nhân đạt nhiều lợi ích.
Theo TS Hùng, mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai thực hiện hàng chục triệu ca xét nghiệm hóa sinh, vi sinh, huyết học. Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng công nhận kết quả xét nghiệm của các cơ sở khác nếu các cơ sở này có các phòng xét nghiệm đạt chuẩn chung theo yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc công nhận kết quả xét nghiệm không nên thực hiện cứng nhắc mà còn căn cứ vào diễn biến, tình trạng và đáp ứng của bệnh nhân với điều trị.
TS Hùng cho rằng, không nên mặc định rằng liên thông chỉ để tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân mà trên hết cần quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân về chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh. Bởi nếu buộc phải thực hiện các xét nghiệm để giúp quá trình điều trị bệnh diễn biến tốt thì không có lý do gì mà không thực hiện.
“Nhóm máu một người được coi là cố định, không thay đổi trong cả cuộc đời. Một người vừa xét nghiệm nhóm máu ở bệnh viện A, đem tới Bệnh viện Bạch Mai kết quả xét nghiệm máu. Nếu bệnh nhân được chỉ định phải truyền máu, liệu Bệnh viện Bạch Mai có cần xét nghiệm lại nhóm máu không? Trong trường hợp này, nếu ai không hiểu chuyên môn thì sẽ dễ dàng trả lời không. Song thực tế, các bác sĩ buộc phải yêu cầu xét nghiệm lại nhóm máu. Bởi nếu chúng tôi truyền sai nhóm máu bệnh nhân tử vong, ai là người phải chịu trách nhiệm?” – TS Hùng giả định tình huống.
Vì thế, ông khẳng định “Không phải Bệnh viện Bạch Mai không tin tưởng các bệnh viện khác mà cơ bản là do các phòng xét nghiệm có tiêu chuẩn khác nhau, sai số có thể xảy ra nên việc xét nghiệm lại nhóm máu là bảo đảm tính mạng và quyền lợi của người bệnh. Vì thế, khi nào các phòng xét nghiệm có tiêu chuẩn giống nhau, lúc đó kết quả mới thật sự đáng tin cậy”.
Phân tích thêm về vấn đề này, BS Nguyễn Duy Hiền, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ không bao giờ lợi dụng thẩm quyền để chỉ định thêm xét nghiệm cho bệnh nhân.
“Lương tâm thầy thuốc không cho phép bác sĩ lợi dụng bệnh nhân để trục lợi do vậy nếu y, bác sỹ yêu cầu bệnh nhân phải xét nghiệm, chụp chiếu lại hoàn toàn vì lợi ích của bệnh nhân. Bởi lẽ, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, tình trạng bệnh mà người bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất” – BS Hùng nhấn mạnh.
Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy mỗi năm các bệnh viện, viện dự phòng thực hiện tới 475 triệu xét nghiệm, con số này tăng khoảng 10% mỗi năm, tăng cao hơn tỷ lệ gia tăng người bệnh khám chữa bệnh. Trong đó, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh.
Theo lộ trình mà Bộ Y tế đặt ra, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm có ba nhóm xét nghiệm được liên thông: huyết học, hóa sinh, vi sinh. Nhóm huyết học có 22 xét nghiệm có thể dùng lại, nhóm vi sinh có 26 xét nghiệm, nhóm hóa sinh có 17 xét nghiệm. Danh mục đều ghi rõ thời gian tối đa có thể dùng lại xét nghiệm từ 1-7 ngày. Có một số xét nghiệm, thời gian xét nghiệm còn hiệu lực để dùng lại tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh. Riêng xét nghiệm định lượng HbA1c có thời hạn tối đa đến 60 ngày nhưng trong một số trường hợp cụ thể tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()