Còn nhiều bất cập
LSO-Việc phân bổ kinh phí cho các huyện duy tu, bảo trì các tuyến đường huyện năm 2017 được tỉnh giao từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, việc triển khai phân bổ cho từng tuyến đường huyện, phê duyệt ký kết hợp đồng với đơn vị thực hiện đến các công việc cụ thể trên từng tuyến chưa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc.
Duy tu bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường Trung Thành – Tân Minh, huyện Tràng Định |
Nhiều huyện chưa thực hiện nghiêm túc
Năm 2017, mức chi cho công tác quản lý duy tu, bảo trì thường xuyên các tuyến đường huyện được nâng từ 22 triệu đồng/km lên 25 triệu đồng/km. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 1.500 km đường huyện và nội thị do các huyện, thành phố quản lý với kinh phí được phân bổ hơn 35 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các huyện phải thực hiện phân bổ lại theo định mức chi cho từng tuyến đường huyện và lập dự toán giá dịch vụ công ích quản lý bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường huyện và đường đô thị trình UBND tỉnh phê duyệt.
Sau đó, các huyện, thành phố lựa chọn doanh nghiệp để ký hợp đồng đặt hàng thực hiện quản lý bảo dưỡng thường xuyên theo quy định. Quy trình thực hiện là vậy nhưng còn nhiều huyện chưa thực hiện theo đúng quyết định phê duyệt giá dự toán.
Cụ thể: tại huyện Văn Lãng, dự toán công ích để bảo dưỡng các tuyến đường huyện được duyệt hơn 3,2 tỷ đồng, nhưng huyện lại ký hợp đồng với đơn vị cung cấp công ích cho công tác bảo dưỡng thường xuyên với kinh phí chỉ hơn 2,9 tỷ đồng, số tiền còn lại hơn 271 triệu đồng huyện dùng để mua cống và dự phòng bảo đảm an toàn giao thông. Tại huyện Văn Quan, dự toán được duyệt hơn 3,5 tỷ đồng, nhưng huyện chỉ ký hợp đồng với các đơn vị hơn 2,2 tỷ đồng, số kinh phí còn lại hơn 1,4 tỷ đồng huyện dùng để trả nợ công trình năm 2015, 2016 và hỗ trợ giao thông nông thôn. Tại huyện Chi Lăng, dự toán được phê duyệt hơn 3 tỷ đồng, nhưng huyện cũng chỉ ký hợp đồng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng, kinh phí còn lại huyện cũng dùng để chi trả nợ công trình từ năm 2015, 2016 và hỗ trợ xây dựng cầu giao thông nông thôn.
Ngoài ra, công tác quản lý hồ sơ bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường huyện như: nhật ký tuần đường, nhật ký sửa chữa thường xuyên, sổ quản lý cầu đường, sổ theo dõi vi phạm hành lang đường huyện… Các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thiếu chuyên nghiệp, thậm trí chưa có hồ sơ quản lý; các phòng chuyên môn của các huyện chưa sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát.
Khẩn trương khắc phục tồn tại
Trong tháng 2/2017, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra tại huyện Hữu Lũng và kiểm tra thực tế đối với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Gia Long LQ được giao thực hiện bảo dưỡng thường xuyên một số tuyến đường huyện. Qua kiểm tra phát hiện đơn vị này chưa có hồ sơ quản lý đường. Ông Bàng Đức Cường, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Đơn vị này lần đầu tiên tham gia quản lý các tuyến đường huyện, do đó việc hoàn chỉnh hồ sơ quản lý còn nhiều lúng túng. Nhằm khắc phục những tồn tại này, huyện đã hướng dẫn đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, kiện toàn bộ máy, đồng thời thiết lập trụ sở điều hành trên các tuyến được giao quản lý, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.
Để chấn chỉnh hoạt động quản lý bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường huyện, ông Trần Văn Vương, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở GTVT cho biết: Sở đã có văn bản đề nghị các huyện điều chỉnh lại việc phân bổ nguồn vốn đã được giao theo đúng quy định và sẽ thường xuyên kiểm tra tại hiện trường việc chấp hành các quy định về quản lý bảo trì nhằm đánh giá tính nghiêm túc của từng đơn vị. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện tăng cường chỉ đạo phòng kinh tế – hạ tầng thực hiện việc tuần kiểm đường bộ nhằm giám sát các đơn vị được giao khoán quản đường huyện gắn với công tác quản lý hồ sơ theo đúng quy định.
Theo phân cấp, các huyện được giao làm chủ đầu tư và quản lý nguồn vốn bảo trì các tuyến đường huyện, do đó các huyện cần lựa chọn đơn vị tham gia quản lý bảo trì có đủ năng lực, trách nhiệm. Có như vậy công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cũng như khai thác các tuyến đường huyện mới thực sự chất lượng, hiệu quả.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()