Còn nhiều bất cập
LSO-Ngày 22/10/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2009 về chức danh, số lượng, một số chính sách đối với cán bộ, công chức (CBCC) ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở cấp xã. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập.
Cán bộ, công chức xã Xuân Mai, huyện Văn Quan thực hiện nhiệm vụ trong giờ hành chính |
Khó khăn nhất là việc bố trí số lượng, chức danh CBCC, người HĐKCT ở mỗi xã, phường, thị trấn chưa hợp lý. Lạng Sơn có những xã chỉ có 3 thôn, bản với vài trăm nhân khẩu, nhưng có những xã, thị trấn hoặc phường có tới hơn 20 thôn, bản, khối phố với hàng nghìn, hàng vạn nhân khẩu. Ít hay nhiều dân thì các xã, phường, thị trấn đều có số lượng CBCC, người HĐKCT như nhau. Trung bình có 20 CBCC và 15 người HĐKCT/xã, phường, thị trấn. Thực tế này xảy ra tình trạng CBCC, người HĐKCT ở những đơn vị đông dân làm việc vất vả, nhiều áp lực hơn so với những xã ít dân. Ông Liễu Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Ví dụ như xã Mẫu Sơn chỉ có hơn 500 nhân khẩu, nhưng xã Xuất Lễ có tới 6.000 nhân khẩu, thị trấn Đồng Đăng có trên 10.000 nhân khẩu, việc bố trí CBCC, người HĐKCT cấp xã tại Cao Lộc cũng chưa hợp lý với số lượng cào bằng như nhau.
Ngoài bất cập trên, cấp xã còn thiếu một số chức danh CBCC nhất định. Theo quy định, đảng ủy cấp xã không có chức danh công chức văn phòng. Tại nhiều xã, bí thư, phó bí thư đảng ủy vừa làm lãnh đạo vừa xử lý văn bản đi – đến, đánh máy hoặc phô tô văn bản… Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, các đảng ủy phải hợp đồng thêm người vào vị trí này. Tuy nhiên, do phụ cấp thấp lại không được đóng bảo hiểm xã hội, nên người làm ở vị trí này không mặn mà với công việc, nhiều trường hợp nghỉ việc, chuyển công tác khác. Cả tỉnh hiện nay có trên 90% đảng ủy cấp xã không có người giúp việc văn phòng. Cùng cái thiếu trên, hiện nay 100% xã, phường, thị trấn không có chức danh phó trưởng công an xã, xã đội phó đã gây áp lực và khó khăn trong hoạt động. Thời gian qua, nhiều huyện trong tỉnh đề nghị Sở Nội vụ kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ xem xét bổ sung các chức danh này.
Trước những bất cập trên về số lượng, chức danh CBCC, người HĐKCT cấp xã, thời gian tới cần thiết có những phương hướng, giải pháp xây dựng, kiện toàn lại đội ngũ này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ông Sầm Đức Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Việc xây dựng và kiện toàn cần đồng bộ giữa các mặt từ việc quy hoạch, bố trí, sử dụng đến chính sách đãi ngộ… Trước hết, căn cứ vào thực tiễn ở mỗi xã, phường, thị trấn để quy hoạch, bố trí, sắp xếp số lượng CBCC, người HĐKCT một cách phù hợp. Tăng cường bố trí kiêm nhiệm chức danh trong các tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, giảm dần những người HĐKCT, cùng đó là tăng phụ cấp cho CBCC kiêm nhiệm. Có thể nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy với chức danh chủ tịch HĐND xã…
Hiện tại, Lạng Sơn có gần 4.500 CBCC (gần 2.300 cán bộ, gần 2.200 công chức) và trên 23.400 người HĐKCT hoạt động tại 226 xã, phường, thị trấn với 2.341 thôn bản, khối phố. Để xây dựng, kiện toàn đội ngũ CBCC, người HĐKCT cấp xã, thời gian qua, tỉnh đã bổ sung, tuyển dụng công chức cấp xã. Theo đó, tỉnh chọn được 24 đội viên đề án thí điểm tuyển chọn tri thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, tăng cường về làm công chức chuyên môn tại một số xã thuộc các huyện: Bình Gia, Đình Lập; xây dựng đề án về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bộ phận, chức danh thuộc chính quyền, đoàn thể cấp xã. Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng khung tài liệu, bộ tài liệu ôn tập thi tuyển công chức cấp xã; xây dựng, hoàn thiện ngân hàng đề thi tuyển công chức cấp xã các năm 2015, 2016; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh, bổ sung chính sách về CBCC, người HĐKCT cấp xã.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()