Cơn lốc mang tên ‘bão giá’ đe dọa sức chống chịu của nền kinh tế
Cả thế giới phải đối mặt với áp lực lạm phát và nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn sẽ chịu tác động gián tiếp từ việc nhập khẩu hàng hóa và các yếu tố nguyên-nhiên vật liệu đầu vào.
Xung đột giữa Nga và Ukraina kéo theo giá nhiên liệu leo thang đã tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát toàn cầu cũng như Việt Nam…
Áp lực “nhập khẩu lạm phát”
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đa phần các tổ chức quốc tế nhận định giá dầu có thể giữ mức cao từ 110-130 USD/thùng thậm chí có khả năng tăng lên trên 150 USD/thùng trong thời gian tới. Trong khi đó, mặt hàng xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn về nguồn cung và diễn biến thị trường thế giới.
Báo cáo gần đây của Ngân hàng HSBC đã chỉ ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và giá dầu tăng cao sẽ tác động rõ nét đến hoạt động thương mại của Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu xăng dầu trong tháng Hai đã tăng gần hai lần mức trung bình một tháng của năm ngoái và xu hướng này có thể tiếp diễn (do Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm 2,4 triệu mét khối trong quý 2).
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính trao đổi diễn biến xung đột giữa Nga và Ukraina rất khó lường trước, trong khi giá mặt hàng xăng dầu cũng như nguyên vật liệu khác đều tăng rất cao, dẫn đến toàn thế giới phải đối mặt với áp lực lạm phát. Hiện, lạm phát bình quân của các nước châu Âu trong hai tháng đầu năm đã vượt qua con số 5 %. Và, vấn đề này ảnh hưởng rõ nhất là khả năng Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu lạm phát.”
Ông Định phân tích nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn do đó sẽ chịu tác động gián tiếp từ việc nhập khẩu hàng hóa và các yếu tố nguyên-nhiên vật liệu đầu vào. Điều này sẽ tác động rất lớn lên giá thành sản phẩm sản xuất giá trong nước.
Về định lượng, tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tính toán giá xăng dầu tăng 10 % sẽ tác động lên lạm phát chung 0,36 %. Thực tế, CPI bình quân hai tháng đầu năm tăng 1,68%, trong đó giá xăng dầu tăng 45% kể từ đầu năm và đóng góp 1,63 % vào CPI. Trong hai tuần đầu của tháng Ba, giá xăng dầu đã tăng đến 60% so với đầu năm đồng thời cho thấy áp lực lên lạm phát là rất cao.
Trên cơ sở đó, báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra dự báo CPI tháng Ba khả năng vẫn ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng khả năng kiềm chế lạm phát vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm và CPI bình quân 3 tháng dự kiến trong ở khoảng 2-2,1%. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giả định CPI các tháng còn lại của năm tăng đều với một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì trong 9 tháng cuối năm, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Chủ động đối phó
Nhận diện cơn lốc mang tên “bão giá” đang đe dọa sức chống chịu của nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chuẩn bị tất cả các kịch bản để tham mưu cho Chính phủ trong việc điều hành giá cả. Trong trường hợp mặt hàng xăng dầu có những biến động mạnh về giá, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp cụ thể để đảm bảo mặt hàng xăng dầu không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất-kinh doanh cũng như kiểm soát lạm phát.
“Bộ Tài chính cũng có những kế hoạch, phương án đối với các mặt hàng thiết yếu khác để đảm bảo giữ mặt bằng giá chung. Nếu trong thời gian tới, mặt hàng xăng dầu trên thế giới có những chiều hướng dịu đi, chắc chắn Chính phủ sẽ điều hành và đảm bảo được chỉ tiêu lạm phát đã được Quốc hội thông qua trong năm 2022,” Thứ trưởng cho biết.
Nhằm chủ động trong công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển triển khai một số giải pháp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát, từ đó góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh và đời sống nhân dân. Trong đó, việc điều hành chính sách duy trì kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, từ đó đưa ra dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Mặt khác, các bộ, ngành cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Như, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
Với các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá; niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phải có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trên cơ sở chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường./.
Ý kiến ()