Còn loay hoay phân loại rác thải tại nguồn
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại gồm: Tái chế, thực phẩm và khác. Nếu không phân loại, người dân sẽ bị xử phạt 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân vẫn lúng túng chưa hiểu rõ phải thực hiện phân loại rác như thế nào.
Phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tăng nguyên liệu tái chế. Đây là cơ sở hình thành nền kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, phục vụ cho sản xuất.
Quy định này cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, hướng tới nền kinh tế không phát thải năm 2050. Theo hướng dẫn thì mỗi hộ gia đình phải phân rác tại nguồn, thành 3 loại gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy thải, nhựa thải, kim loại thải...); chất thải thực phẩm; nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh; một số chất thải như phân động vật, tã bỉm, vật sắc nhọn...).

Rất ủng hộ kế hoạch phân loại rác thải và đã nhắc nhở người thân trong nhà phân loại rác thải, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Trang (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cũng như anh Nguyễn Văn Tuấn (thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đều cho biết rằng, việc phân loại rác vẫn chưa đạt hiệu quả. Điểm tập kết rác chưa bố trí các xe riêng để thu gom, vận chuyển; cuối cùng rác vẫn bị dồn chung vào xe thu gom”. Cơ sở vật chất thô sơ như thùng rác phân loại còn hạn chế và không được đồng bộ là nguyên nhân chính khiến công tác phân loại rác tại nguồn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng”-anh Nguyễn Văn Tuấn nêu.

Rác thải đã không còn là thứ bỏ đi, nếu được xử lý tốt đây là nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất. Thế nhưng, tại Việt Nam, nguồn tài nguyên rác thải đang bị lãng phí. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 70.000 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ 15% lượng rác này được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng.
Để xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả, biến rác thải thành tài nguyên, điều đầu tiên là phân loại rác từ nguồn. Bởi, khi không phân loại được rác thải đầu nguồn thì về công nghệ, xử lý được rác thải hỗn hợp là rất khó. Thực tế cho thấy, hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tại các thành phố lớn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số. Nếu không nghiêm túc thực hiện từ góc độ người dân, người thu gom và sự quan tâm của chính quyền địa phương về chuẩn bị hạ tầng để phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử lý, tái sử dụng, tái khai thác chất thải đó thì câu chuyện phân loại rác sẽ không đem lại hiệu quả.

Ý kiến ()