Còn lắm gian nan
LSO- Mặc dù thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Song, sự chuyển biến vẫn chưa rõ nét, tại nhiều nơi, nhiều lúc còn thiếu sự quan tâm đúng mức khiến các hoạt động này chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Người dân thôn Ngọc Trí, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia sinh hoạt văn nghệ
tại nhà văn hóa thôn
Thiết chế, hạ tầng chưa đồng bộ
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), hiện nay, 10/11 Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông (VHTTTT) có trụ sở riêng (riêng Trung tâm VHTTTT thành phố Lạng Sơn vẫn ở chung với khối nhà liên cơ quan). Đáng nói, đa số các trung tâm cấp huyện, thành phố chưa có hội trường tổ chức sự kiện và các hoạt động văn hóa, văn nghệ mà hầu hết là “nhờ” hội trường của UBND cấp huyện, thành phố. Mặt khác, hệ thống các trung tâm VHTTTT cấp huyện được xây từ khá lâu, trong đó, một số nơi đang trong tình trạng xuống cấp như: huyện Hữu Lũng, Cao Lộc; các phòng làm việc, ghế ngồi hư hỏng như trung tâm VHTTTT các huyện: Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia.
Cũng theo thống kê, toàn tỉnh có 78/226 nhà văn hóa (NVH) xã, phường, thị trấn (đạt 35,8%) trong đó số lượng NVH cấp xã đang tổ chức hoạt động chưa đến 50%, đây là một tỷ lệ thấp so với tổng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đối với NVH cấp thôn, khu phố hiện đã có 2.223 NVH (đạt 96,07 %), tuy nhiên các trang thiết bị đi kèm tại NVH này vẫn còn thiếu, hoặc nghèo nàn, xuống cấp, chủ yếu là do nhân dân tự đóng góp khi tham gia các hoạt động.
Bà Lương Thị Hiền, Phó giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện Văn Quan cho biết: Bình quân mỗi năm, trung tâm tổ chức hàng chục hoạt động văn hóa – thể thao chào mừng các sự kiện chính trị trên địa bàn. Tuy nhiên, do các thiết chế đi kèm như sân chơi, bãi tập và các thiết bị âm thanh, ánh sáng… chưa được đầu tư, xây dựng nên hạn chế phần nào tính chủ động và sức lan tỏa của các phong trào.
Thiếu cán bộ chuyên trách
Cùng với cơ sở vật chất thì nguồn nhân lực chuyên trách văn hóa thể thao cơ sở cũng là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, tại Lạng Sơn hiện nay đội ngũ này vẫn còn thiếu và yếu (hiện, số cán bộ qua đào tạo chuyên ngành mới đạt 30%). Mặt khác, các xã, phường đều có cán bộ phụ trách nhưng năng lực không đồng đều, một số nơi bố trí cán bộ không đúng chuyên môn, nghiệp vụ, đó còn chưa kể tới đội ngũ kiêm nhiệm dưới thôn, hầu hết các NVH thôn, khu phố đều do trưởng thôn, khu phố quản lý nên việc tham mưu, tổ chức các hoạt động còn hạn chế.
Hiện nay, cấp xã, phường chỉ có 1 cán bộ chuyên trách về văn hóa, trong khi lĩnh vực văn hóa rất rộng, bao hàm từ nếp sống văn hóa, gia đình, trẻ em, hoạt động thể dục thể thao, theo dõi tệ nạn xã hội… vì vậy, khối lượng công việc của bộ phận này trở nên quá nhiều và quá tải. Chị Nông Thị Thảo, cán bộ phụ trách văn hóa xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, cho biết: “Là cán bộ phụ trách văn hóa của xã, tôi vừa kiêm mảng văn hóa, thể thao, vừa kiêm Trưởng đài truyền thanh. Ngoài thực hiện những việc “vặt” như treo băng zôn, khẩu hiệu, đến photocopy, phát giấy mời, chuẩn bị bàn ghế cho hội nghị,… mỗi ngày, tôi vẫn phải bảo đảm giờ giấc và công việc tại bộ phận một cửa nên nhiều khi khó có thời gian bám sát phong trào văn hóa cơ sở”.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Bà Hà Thị Lư, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện chủ trương phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở được tỉnh quan tâm, nhưng khi về cơ sở, thì lại gặp phải nhiều vấn đề. Trước hết, nguồn kinh phí cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao rất eo hẹp. Ở cấp huyện, phần lớn các trung tâm văn hóa dựa vào kinh phí do nhà nước cấp để duy trì hoạt động, việc tạo nguồn thu rất hạn chế. Đối với các xã, kinh phí phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, tùy vào điều kiện, khả năng thu ngân sách của địa phương mà chi ở mức độ khác nhau nhưng đều ở mức thấp (15-25 triệu đồng/xã/năm). Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sự nghiệp văn hóa nên chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao và các hoạt động văn hóa cơ sở.
Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phải giải quyết hàng loạt vấn đề rất cụ thể, tuy nhiên để phát huy tối đa hiệu quả của các thiết chế văn hóa, rất cần sự chung tay của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành trong tiến trình xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()