“Cơn khát” DEF tại Hàn Quốc
Tình trạng thiếu hụt dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel (DEF) có nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng tại xứ sở kim chi. Trong bối cảnh này, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực tìm cách giải “cơn khát” DEF.
Theo Yonhap, các quan chức Hàn Quốc gần đây cho biết, nước này đã tăng cường nhập khẩu ure-nguyên liệu chính của DEF, đồng thời đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ure thông qua các kênh ngoại giao để nhanh chóng giải quyết tình trạng khan hiếm dung dịch này.
Ngoài ra, Seoul sẽ đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để đưa toàn bộ số ure nhập khẩu vào sản xuất DEF. Các công ty tư nhân tại Hàn Quốc cũng đang được huy động đẩy nhanh sản xuất và phân phối DEF.
DEF được sử dụng cho phương tiện chạy bằng động cơ diesel nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường. DEF phải được đổ định kỳ, đặc biệt là đối với xe tải chở hàng đường dài. Khi bình chứa DEF cạn, phương tiện chạy bằng động cơ diesel không thể khởi động hoặc chết máy trên đường.
Vào năm 2015, Hàn Quốc đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt về môi trường và yêu cầu những phương tiện chạy bằng động cơ diesel sử dụng DEF để cắt giảm lượng khí thải.
Xe tải xếp hàng chờ đổ DEF tại thành phố Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Tình trạng khan hiếm DEF ở Hàn Quốc diễn ra sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón và các nguyên liệu liên quan, bao gồm cả ure, từ hồi tháng 10 vừa qua. Lâu nay, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu ure từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, 97,6% lượng ure nhập khẩu của Hàn Quốc được chuyển từ Trung Quốc.
Trong khi đó, vào khoảng năm 2013, các nhà sản xuất ure của Hàn Quốc đã phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh về giá so với các đối thủ nước ngoài. Tình trạng thiếu hụt đã đẩy giá DEF lên cao chóng mặt. The Korea Economic Daily dẫn thông tin từ một nhân viên cửa hàng phụ tùng ô tô ở Hàn Quốc cho biết, đã có nhiều cuộc điện thoại gọi đến cửa hàng hỏi mua 10 lít DEF với giá 50.000 won. Trước đây, 10 lít DEF chỉ có giá từ 9.000 đến 12.000 won.
Tại xứ sở kim chi, hiện có gần 10 triệu xe ô tô chạy bằng động cơ diesel, chiếm khoảng 38% số lượng xe ô tô đã đăng ký. Trong số đó, có 4 triệu xe ô tô chạy bằng động cơ diesel, bao gồm 2 triệu xe tải chở hàng, đã lắp đặt hệ thống sử dụng DEF theo quy định thắt chặt về khí thải được áp dụng vào năm 2015 của Hàn Quốc.
Vì vậy, việc thiếu hụt DEF khiến các xe tải chở hàng đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động. Điều này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng tại Hàn Quốc. Đơn cử như xe bồn chạy bằng động cơ diesel được sử dụng để vận chuyển xăng đến các trạm xăng. Nếu thiếu DEF, quá trình vận chuyển xăng sẽ gặp khó khăn và nhiều người dân không thể đổ xăng cho ô tô của họ.
Các nhà thầu cũng có thể buộc phải ngừng thi công tại các công trường xây dựng do không tiếp cận được nguồn cung các loại vật liệu, thiết bị cần thiết. Ông Kim Sei-wan, Giáo sư kinh tế tại Đại học nữ sinh Ewha ở thủ đô Seoul nhấn mạnh: “Nếu tình trạng thiếu DEF tiếp tục kéo dài, tất cả hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thể bị ảnh hưởng”. Riêng xe cứu hỏa và xe cứu thương sẽ không gặp vấn đề gì vì những phương tiện quan trọng này được bảo đảm nguồn dự trữ DEF trong 3 tháng.
Trước tình hình này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phải lên tiếng trấn an người dân và các doanh nghiệp. Trong một tuyên bố gần đây, ông Moon Jae-in nêu rõ: “Chính phủ đang làm hết sức để giải quyết vấn đề nhập khẩu ure kịp thời và tìm kiếm các nguồn cung thay thế”.
Để ngăn chặn việc trục lợi do thị trường khan hiếm nguồn cung, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập nhóm đặc trách chống đầu cơ, thu gom, tích trữ và phân phối DEF bất hợp pháp. Những người tích trữ ure hoặc DEF có thể phải đối mặt với án tù lên đến 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 100 triệu won.
Trên thực tế, bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu cũng sẽ dễ bị tổn thương trước những tắc nghẽn bất chợt trong chuỗi cung ứng. Nhận định về tình trạng thiếu hụt DEF tại Hàn Quốc, Giáo sư Kwon Yong-joo tại Đại học Kookmin ở thủ đô Seoul cho biết: “Về lâu dài, sản xuất ure trong nước là điều cần thiết”.
Trong khi đó, Giáo sư nghiên cứu ô tô Kim Pil-soo tại Đại học Daelim ở tỉnh Gyeonggi cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc nên thành lập một ủy ban quốc gia để xác định các mặt hàng nhập khẩu khác có nguy cơ và bắt đầu đưa ra các biện pháp ứng phó.
Ý kiến ()