Còn ít doanh nghiệp "chạy" hoá đơn điện tử
Lợi ích từ việc triển khai thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP về tự in hoá đơn đã được kiểm nghiệm dần qua thực tế ở cả góc độ quản lý tài chính - thuế, kiểm tra giám sát và chống hoá đơn giả. Doanh nghiệp có thể lựa chọn hoá đơn tự in hoặc sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử nhằm phục vụ một cách phù hợp nhất lợi ích kinh doanh. Tuy nhiên, so với việc tự in hoá đơn, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn “chạy” hoá đơn điện tử còn thấp.Hoá đơn điện tử - lợi nhiều nhưng …Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng, việc chuyển sang hóa đơn tự in dùng phần mềm trong kế toán là bước tiến lớn song chi phí cao hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự in hóa đơn, hơn nữa lại cần có sự phát triển bền vững. Thực chất, việc các doanh nghiệp sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử là rất cần thiết vì sẽ giúp họ giảm bớt chi phí, thời gian, đó là điều quan trọng nhất.Với...
Lợi ích từ việc triển khai thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP về tự in hoá đơn đã được kiểm nghiệm dần qua thực tế ở cả góc độ quản lý tài chính – thuế, kiểm tra giám sát và chống hoá đơn giả. Doanh nghiệp có thể lựa chọn hoá đơn tự in hoặc sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử nhằm phục vụ một cách phù hợp nhất lợi ích kinh doanh. Tuy nhiên, so với việc tự in hoá đơn, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn “chạy” hoá đơn điện tử còn thấp.
Hoá đơn điện tử – lợi nhiều nhưng …
Giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng, việc chuyển sang hóa đơn tự in dùng phần mềm trong kế toán là bước tiến lớn song chi phí cao hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự in hóa đơn, hơn nữa lại cần có sự phát triển bền vững. Thực chất, việc các doanh nghiệp sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử là rất cần thiết vì sẽ giúp họ giảm bớt chi phí, thời gian, đó là điều quan trọng nhất.
Với hoá đơn điện tử, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động các công việc khởi tạo và phát hành hóa đơn; đơn giản hóa việc phát hành, quản lý hóa đơn; đơn giản hóa thủ tục kê khai thuế và tình hình sử dụng hóa đơn; hóa đơn mang theo nhiều hơn thông tin, hình ảnh đặc trưng của doanh nghiệp. Thêm vào đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tra cứu thông tin hóa đơn và kiểm soát phát hành hóa đơn, tiết kiệm chi phí giao dịch hóa đơn, chi phí phát hành hóa đơn, chi phí thời gian; doanh nghiệp cũng tự chủ, tự chịu trách nhiệm với thông tin hóa đơn được phát hành và hạn chế rủi ro và đơn giản hơn trong công tác bảo quản, lưu trữ.
Tuy nhiên, vấn đề triển khai văn bản này trên thực tế vẫn còn nhiều điểm vướng. Ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế – Bộ Tài chính cho rằng, thực tế, Nghị định 51 NĐ-CP là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình mới. Nhưng trong khi các doanh nghiệp của ta đã có thể sử dụng tiện lợi và dễ dàng hơn phần mềm hóa đơn tự in, thì việc triển khai phần mềm hoá đơn điện tử còn nhiều chỗ khó.
Theo quy định của Luật giao dịch điện tử, điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử khắt khe và phức tạp hơn nên việc triển khai chậm hơn. Hóa đơn điện tử chạy bằng phần mềm phải có chứng thư kỹ thuật số, hạ tầng ngành viễn thông cũng như các điều kiện khác từ phía các doanh nghiệp như phải kết nối cơ quan thuế và cơ quan liên quan thì mới có thể sử dụng được.
Khi sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử, bản thân các doanh nghiệp không chỉ liên kết với mỗi cơ quan thuế mà với ngân hàng, người mua, người bán. Các ngân hàng có thể thực hiện hoá đơn điện tử nhưng với người mua, người bán thì vẫn còn quá khó. Đó là nguyên nhân khiến cho việc triển khai thực hiện phần mềm hóa đơn điện tử diễn ra chậm. Thêm vào đó, các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm bao giờ cũng phải liên kết với nhà liên kết mạng phần mềm mới – đơn vị có thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát triển hoá đơn điện tử – câu trả lời phụ thuộc vào doanh nghiệp
Theo Vụ chính sách Thuế Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước đã làm những việc cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử, nhưng điều quan trọng là những đối tác các doanh nghiệp có làm hay không thì cơ quan thuế mới làm được. “Đã là giao dịch điện tử tức là một anh phải giao dịch với nhiều anh, tất cả phải làm mới thông được”.
Ngay cả đối với lộ trình phát triển hoá đơn điện tử cũng hoàn toàn phục thuộc các doanh nghiệp và đối tác các doanh nghiệp chứ không thể đặt lộ trình cụ thể như hóa đơn tự in. Hiện có gần 500.000 doanh nghiệp, trong số đó doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ lại nhiều. Các doanh nghiệp năng lực yếu, giao dịch điện tử rất tốn kém nên khó khăn.
Thực tế, việc các doanh nghiệp muốn triển khai thuận lợi hoá đơn điện tử thường thông qua các công ty tư vấn. Bởi lẽ không có một doanh nghiệp nào đủ sức làm phần mềm riêng cho mình vì rất đắt, đây là hệ thống liên quan tới hơn 500.000 doanh nghiệp. “Một doanh nghiệp kinh doanh lại có mối quan hệ làm ăn với mấy trăm doanh nghiệp. Không ai dại gì đi thiết lập hệ thống dữ liệu cho cơ quan mình”, ông Mại khẳng định.
Hiện có 15 nhà cung cấp phần mềm giao dịch điện tử, trong đó ưu thế hiện đang thuộc về các công ty liên doanh đối tác với VNPT, VDC. Tiêu chuẩn của các giao dịch điện tử cũng như phần mềm hóa đơn đó là phải đảm bảo yêu cầu liên thông tích hợp, duy nhất, bảo mật và có khả năng phát triển. Với số lượng doanh nghiệp cung cấp phần mềm hoá đơn điện tử như thế mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thị trường, do đó vấn đề làm sao lựa chọn nhà cung cấp hiệu quả là một câu hỏi không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần khuyến khích công ty tư vấn cạnh tranh để đưa ra giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp lựa chọn. Họ có thể hướng dẫn các doanh nghiệp thông qua thẩm định của mình về các công ty tư vấn, những công ty có ưu nhược điểm nào và công khai cho doanh nghiệp.
Về các hoạt động liên quan đến vấn đề thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nên ban hành những nghị định không phải là cấm giám sát mà hướng dẫn công ty tư vấn cũng như doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, công ty tư vấn kết nối với nhau. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có thể giữ vai trò giám sát, đảm bảo lợi ích các doanh nghiệp cũng như các công ty tư vấn.
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, “Nếu 15 doanh nghiệp chưa đủ thì hoàn toàn có thể mở rộng doanh nghiệp khác vì trong cơ chế thị trường không có gì cấm hết, chỉ có hướng dẫn và xử phạt những người lợi dụng kẽ hở pháp luật làm ảnh hưởng lợi ích của người khác. Theo tôi, chúng ta nên làm hai việc như vậy trong giai đoạn hiện nay”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()