LSO-Một chiều tháng 7/2011, tôi có dịp về thăm thôn Khau Moòng xã Khánh Khê, huyện Văn Quan được đồng chí Hoàng Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi thực tế, vừa đi, vừa say xưa giới thiệu về đặc điểm tình hình địa phương. Khuổi Rượu, Khau Moòng là hai thôn mà chúng tôi được đến thăm. Do án ngữ trên địa hình đồi núi cao, bà con sinh sống chủ yếu dựa vào hai cây chủ lực, đó là cây lúa, cây hồi. Địa hình đồi núi, chia cắt nên đường sá đi lại rất khó khăn, bà con thôn này muốn sang thôn kia phải đi theo triền đồi, ngày nắng đã vất vả, ngày mưa càng khó khăn hơn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng gặp rất nhiều hạn chế. Người dân nơi đây luôn mong ước có một con đường đi lại thuận lợi, để những nông sản đến với thị trường. Vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền xã xây dựng nghị quyết chuyên đề và xin ý kiến chỉ đạo của cấp huyện về xây dựng con đường nối liền hai thôn. Con đường...
LSO-Một chiều tháng 7/2011, tôi có dịp về thăm thôn Khau Moòng xã Khánh Khê, huyện Văn Quan được đồng chí Hoàng Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi thực tế, vừa đi, vừa say xưa giới thiệu về đặc điểm tình hình địa phương.
Khuổi Rượu, Khau Moòng là hai thôn mà chúng tôi được đến thăm. Do án ngữ trên địa hình đồi núi cao, bà con sinh sống chủ yếu dựa vào hai cây chủ lực, đó là cây lúa, cây hồi. Địa hình đồi núi, chia cắt nên đường sá đi lại rất khó khăn, bà con thôn này muốn sang thôn kia phải đi theo triền đồi, ngày nắng đã vất vả, ngày mưa càng khó khăn hơn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng gặp rất nhiều hạn chế. Người dân nơi đây luôn mong ước có một con đường đi lại thuận lợi, để những nông sản đến với thị trường. Vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền xã xây dựng nghị quyết chuyên đề và xin ý kiến chỉ đạo của cấp huyện về xây dựng con đường nối liền hai thôn. Con đường đi qua đất của một số hộ trong thôn, do chưa hiểu hết ý nghĩa của việc làm đường nên một số hộ dân còn thắc mắc về việc đường đi qua đất của gia đình. Chính quyền xã đã giải thích, bà con hiểu và sẵn sàng hiến đất mà không đòi hỏi một khoản bồi thường nào. Đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng: Điện, đường, trường, trạm, trong đó, đường là nhân tố quan trọng để tạo ra sức bật kinh tế cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận dụng sáng tạo chủ trương đó.
Mở đường vào thôn Khau Moòng, Khánh Khê – Ảnh: Xuân Hương
Qua lời bác Hoàng Văn Khèn, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Rượu, tôi như đang được sống giữa những ngày bà con nhân dân, lực lượng thanh niên tình nguyện cùng nhau chung sức, chung lòng để xây dựng nên con đường này. Con đường được khởi công vào tháng 7/2008, đó là những ngày hè nắng như đổ lửa, bà con nhân dân, thanh niên tình nguyện không quản gian khổ cùng chung sức, chung lòng san đồi, mở rộng lối mòn để có con đường mà chúng tôi đang đi. Lực lượng thanh niên tình nguyện, là cán bộ, học sinh. Họ đến từ nhiều đơn vị như: Công an tỉnh, Trường PTTH Lương Văn Tri – huyện Văn Quan, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, đoàn viên, thanh niên xã Khánh Khê. Với tinh thần xung kích, với sức trẻ tình nguyện, những bóng áo xanh đã cùng bà con lao động để có được con đường như ngày hôm nay. Họ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, lao động hăng say làm nên con đường để bà con trong hai thôn đi lại thuận lợi hơn. Sau 5 tháng, họ đã hoàn thành con đường với chiều dài 3 km, với tổng số công huy động 1.400 công. Con đường nối hai thôn hoàn thành đã mang đến sự đổi thay cho cuộc sống nơi bản làng vùng cao. Đường về bản như gần hơn khi có con đường mang tên Thanh niên này. Trên con đường mòn, tôi bắt gặp những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các mẹ, các chị dân tộc Nùng gánh gồng, rủ nhau ríu rít xuống chợ phiên, hình ảnh các em bé tung tăng cắp sách đến trường. Con đường đã nối mảnh đất này với cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Đi trên con đường dưới tán hồi, mùi hương thơm ngào ngạt lan toả khắp cánh rừng – mùi hương của sự ấm no, của sự bình yên, một cuộc sống mới đang về với bản làng nơi rẻo cao này.
Lê Thị Thuyên
Ý kiến ()