Con đường "vượt nắng, thắng mưa"
Theo dự kiến, ngày 21-9 tới đây, chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Việc đưa tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam vào khai thác là bước đột phá lớn của ngành giao thông, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Lào Cai còn một nửa so với trước đây, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc.
Muôn vàn khó khăn Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai nằm trong hành lang đường bộ Côn Minh – Hải Phòng, thuộc chương trình hợp tác giữa sáu nước tiểu vùng sông Mê Công, gồm Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan, Mi-an-ma và Trung Quốc.
Tuyến đường có vai trò trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đồng bào các dân tộc, kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp, du lịch và giải trí ở phía bắc. Dự án có nhiều hạng mục với khối lượng thi công “khổng lồ”, gồm 120 cầu lớn nhỏ (trong đó có hai cầu lớn Sông Hồng và Sông Lô với chiều dài 1,68 km, rộng 16,5 m); một hầm xuyên núi (dài 530 m, cao 9 m, rộng 14 m), một hầm chui giao quốc lộ 2 dài 645 m; 12 nút giao khác mức, xử lý mái dốc hơn 1,3 triệu m 2 , khối lượng đất đá đào đắp lên đến 100 triệu m 3 ; hơn sáu triệu m 3 cấp phối đá dăm; gần 1,8 triệu tấn bê-tông nhựa các loại; hơn 600 nghìn m 3 bê-tông; gần 91 nghìn mét dài cọc khoan nhồi…
Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh cho biết, đây là một trong những dự án đường cao tốc lớn nhất Việt Nam, tổng chiều dài 245 km theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Đoạn từ Hà Nội đến Yên Bái có quy mô bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc hai làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) một tỷ 464 triệu USD, bao gồm vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 236 triệu USD, vay thông thường (ADB) hơn một tỷ USD và vốn đối ứng hơn 170 triệu USD. Dự án được đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, công tác giải phóng mặt bằng gặp muôn vàn khó khăn, giá trúng thầu của một số gói thấp hơn dự toán được duyệt từ 15% đến 26%.
Sau nhiều năm thi công, đối mặt nhiều thách thức, đến nay, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã hoàn thành toàn bộ cả tám gói thầu. Nhiều người vẫn nhớ, sau hơn ba năm kể từ ngày khởi công (năm 2009), gần như cả tám gói thầu của tuyến đường này đều “giẫm chân tại chỗ”, thậm chí cuối năm 2012, một số gói thầu chỉ đạt khối lượng trên dưới 10%.
Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh chia sẻ, dẫu lạc quan đến mấy cũng không ai dám “mơ tưởng” gói thầu nào hoàn thành, thông xe cuối năm 2013. Bằng việc thay thế một loạt nhà thầu phụ yếu kém của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), khí thế công trường đã được xốc dậy, biến chuyển từng ngày. Hai gói thầu cuối cùng A4, A5 dài hơn 70 km do Công ty Keangnam (Hàn Quốc) đảm trách, quá trình thi công nhiều lần khiến Bộ GTVT cũng như chủ đầu tư VEC hết sức “đau đầu”. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến hai gói thầu này “sa lầy” tiến độ là do nhà thầu chính thiếu vốn lưu động, chậm thanh toán tiền cho các nhà thầu phụ, khiến công trường bị “đắp chiếu” một thời gian dài.
Khi thị sát công trường, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã phê bình hết sức gay gắt, chỉ đạo VEC yêu cầu Keangnam phải chuyển vào tài khoản 12 triệu USD để ứng cho các đơn vị thi công. Ngoài ra, huy động thêm một số nhà thầu phụ có năng lực vào “ứng cứu”. Tại công trường, Giám đốc gói thầu A4 Song Joo Myoung thuộc Công ty Keangnam cho biết, nhờ được “ứng cứu” về tài chính của công ty mẹ, cùng với sự linh hoạt của chủ đầu tư, nhà thầu đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong khoảng hai tháng qua, các mũi thi công trên tuyến đã được huy động tổng lực, thi công “thần tốc” nhằm đạt tiến độ cũng như chất lượng đã cam kết.
Linh hoạt ứng vốn Phó Tổng giám đốc VEC Lê Kim Thành – “tổng chỉ huy” công trường đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai cho biết, để giải tỏa khó khăn về vốn của các nhà thầu, những ngày “nước rút” đưa công trình “về đích”, trong khi chờ đợi nguồn tiền thanh toán từ nhà thầu chính, VEC đã sử dụng nguồn tiền huy động, ứng trước cho các đơn vị thầu phụ theo sản lượng của họ trên công trường. Tổng cộng, VEC đã ứng hơn 300 tỷ đồng, nhờ vậy nhà thầu chính và các nhà thầu phụ đã tập trung huy động cao nhất lực lượng thiết bị máy móc, vật tư thi công liên tục. “Do chu trình thanh toán thường mất thời gian, nên đây là giải pháp rất hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thi công. Giờ phút dự án “cán đích”, ngẫm lại những công việc đã làm, nhiều lúc tôi cũng không tưởng tượng được. Đây đúng là dự án “vượt nắng, thắng mưa” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhiều thời điểm, mưa triền miên hàng nửa tháng, chỉ có một ngày hửng nắng hiếm hoi, chúng tôi phải mua hàng trăm chiếc khăn tắm, huy động công nhân lau đường cho nhanh khô, kịp thời thi công” – Phó Tổng giám đốc Lê Kim Thành tâm sự.
Được sự cho phép của Chính phủ và Bộ GTVT, để phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, giảm áp lực cho các quốc lộ khu vực Tây Bắc…, VEC tổ chức thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến dự án đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai. Để chuẩn bị cho việc khai thác, VEC đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường, đồng thời làm việc với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (C67), lực lượng cứu hộ y tế và các cơ quan, chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua, thống nhất quy chế phối hợp điều hành, kiểm soát giao thông; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24 giờ… để bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc.
Trong quá trình khai thác, chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án.
Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đưa vào khai thác là bước đột phá lớn của ngành giao thông, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn ba giờ 30 phút (trước đây là bảy giờ). Tuyến đường còn mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông và tai nạn trên các quốc lộ 2, 2B, 32C, 4E và 70. Thời gian từ Hà Nội đi các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang cũng được rút ngắn một nửa so với lưu thông trên tuyến đường hiện hữu. Các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai còn tiết kiệm tối đa nhiên liệu, an toàn, không gặp phải các điểm giao cắt với các tuyến đường khác.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()