Con đường vươn lên ở xã nghèo Phước Năng
Một chủ trương đúng, sự đồng thuận cao đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của đồng bào các dân tộc xã Phước Năng (Quảng Nam).
Một chủ trương đúng, sự đồng thuận cao đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của đồng bào các dân tộc xã Phước Năng (Quảng Nam).
Những ngôi nhà xây xi-măng thay thế dần nhà lá, đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ 80% xuống còn 72%. Nhiều hộ gia đình đã sắm được xe máy, vô tuyến, 100% số trẻ em đã được đến trường.
Mặc cho trận mưa rừng bất chợt đổ xuống, đồng chí lái xe của Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Ðà Nẵng vẫn cần mẫn vượt qua những con đèo, ngọn núi quanh co, khúc khuỷu trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại để đưa chúng tôi từ huyện Tây Giang sang huyện Phước Sơn, đến xã Phước Năng của tỉnh Quảng Nam đúng hẹn.
Trong câu chuyện chung quanh vấn đề xây dựng nông thôn mới, đồng chí Phạm Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Phước Năng bộc bạch: Là một xã nghèo, thuộc vùng cao huyện Phước Sơn, xã Phước Năng có 2.176 khẩu, với 569 hộ thuộc năm dân tộc cùng sinh sống ở năm thôn, trong đó dân tộc M’Nông chiếm 90%. Ðịa hình đồi núi, đường sá đi lại khó khăn, đời sống đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào một vụ lúa nước và làm nương, rẫy trên các bìa rừng, đời sống cực kỳ khó khăn, với hơn 80% là hộ nghèo…
Khi được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới, ban lãnh đạo xã Phước Năng không khỏi băn khoăn, vì xuất phát điểm của xã thấp, trong 19 tiêu chí ấy chọn cái nào làm trước, cái nào làm sau vốn đầu tư có hạn, mà ở xã nghèo thì cái gì cũng cần thiết. Sau khi bàn bạc thống nhất trong Ðảng ủy, lãnh đạo xã tổ chức tuyên truyền và lấy ý kiến nhân dân chọn những tiêu chí trọng tâm, trọng điểm để làm trước. Thật bất ngờ, có một tiêu chí được Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân đồng tình cao đó là mở đường giao thông. Người hiến công, nhà hiến đất, đến nay 100% số đường liên thôn, liên xã đã được cứng hóa, tuy chưa đạt chuẩn quốc gia.
Con đường cấp phối được mở rộng 5 mét chạy thẳng từ khu dân cư đến sát chân núi, hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh rờn, là thành quả của đồng bào nơi đây quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Bà Hồ Thị Viên, 57 tuổi, ở thôn 2, là một trong những hộ gia đình tình nguyện hiến đất để mở con đường này cho biết: Khi chưa có chủ trương mở đường, con đường này bé, lầy lội lắm. Muốn đưa trâu, bò vào cày ruộng còn khó huống chi là đưa máy móc. Nông sản như ngô, chuối, sắn thu hoạch xong, chỉ có cách là để lại ở lán trên rừng, khó đưa được ra ngoài đường để tư thương đến mua. Nhưng nay khác rồi, có đường, xe ô-tô nhỏ chạy sát đến chân núi, nông sản làm ra đến đâu, tư thương vào mua đến đấy. Trên đồng ruộng, máy cày, máy bừa đã xuất hiện thay thế cho sức trâu, sức người. Dân có điện, có nước sạch, hàng hóa tiêu thụ được nên nhiều nhà đã sắm được vô tuyến, xe gắn máy… Cái bụng đã no, cái chân đã đỡ mỏi, thế là yên tâm rồi.
Hôm nay xã có buổi làm việc với dân về giải quyết chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất, nên từ sớm đã khá đông bà con tập trung ở sân UBND. Trong lúc chờ đến lượt làm thủ tục, nhiều thanh niên trong các thôn tranh thủ lau chùi những con “ngựa sắt” của mình và bình phẩm chất lượng các loại xe. Ông Hồ Bằng Nhia, 66 tuổi, ở thôn 1 nói: Khi chưa có đường giao thông, mỗi lần có việc đến xã là phải cuốc bộ cả ngày trời đi, về. Hôm nào trời nắng ráo thì đỡ, còn nếu trời mưa là khổ lắm, leo rừng, lội suối cực kỳ khó khăn vất vả. Nhưng nay khác rồi, đường được mở đến từng thôn, bản, tuy chưa được trải nhựa như ở trên tỉnh, huyện, nhưng giờ đây mỗi lần có việc lên xã là các con, cháu chạy xe máy chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ, giải quyết công việc nhanh chóng trong một buổi. Con cháu đưa mình đến đây, còn tranh thủ chạy xe đi mua bán, trao đổi hàng hóa thật thuận tiện. Ðường đã tốt, có điện sinh hoạt, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, nhưng ông Nhia mong muốn thôn 1 của ông cũng sớm được đầu tư xây bể nước sạch cho dân dùng, vì theo ông có nước sạch sử dụng, người dân đỡ bệnh tật, sức khỏe tốt lên sẽ làm ra được nhiều của cải, vật chất, công cuộc xóa đói, giảm nghèo mới bền vững được.
Ðường giao thông thuận lợi, đời sống nhân dân được từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo hiện nay của xã Phước Năng đã giảm xuống còn 72%. Công tác giáo dục được bảo đảm, chất lượng dạy và học được nâng lên, hệ thống trường lớp được quan tâm chú trọng. Cấp tiểu học đạt 100%, bậc THCS đạt 98%, 100% số trẻ đến lớp ở bậc mầm non. Ðường điện đã được kéo đến từng hộ dân và người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không còn hiện tượng nuôi gia súc dưới sàn nhà. Giờ đây, Phước Năng là một thị xã sầm uất, bởi đã xuất hiện những căn nhà kiên cố, nhiều cửa hàng, cửa hiệu buôn bán đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống đồng bào. Một quyết định đúng, hợp lòng dân đã và đang từng bước làm thay da, đổi thịt ở vùng quê nghèo Phước Năng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()