Con đường trắc trở
“Mở rộng Liên minh châu Âu (EU) là một khoản đầu tư địa chiến lược cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng”, Korea JoongAng Daily dẫn Tuyên bố Granada được thông qua tại cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu ở Granada (Tây Ban Nha) đầu tháng 10 vừa qua.
Kể từ khi Croatia gia nhập vào năm 2013, EU đã không thể kết nạp thêm thành viên mới trong bối cảnh khối này phải đối phó với khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19. Để giải quyết tình trạng bất ổn địa chính trị do tác động từ chiến sự ở Ukraine, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về nguyên tắc mở rộng EU đối với các ứng cử viên tiềm năng, gồm Ukraine, Moldova, Serbia và Montenegro.
Tuy nhiên, việc mở rộng EU là một tiến trình không hề đơn giản, bởi lẽ đáp ứng yêu cầu về dân chủ, kinh tế thị trường và pháp quyền theo tiêu chí của EU là điều không mấy dễ dàng đối với các nước ứng cử viên. Đơn cử, với Ukraine, dù đang trong tình trạng thời chiến, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã buộc phải thay thế hàng loạt quan chức cấp cao vướng cáo buộc tham nhũng. Trong Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Ukraine xếp thứ 116-một vị trí còn cách rất xa tiêu chí của EU.
![]() |
Nội bộ EU thường bất đồng về các biện pháp trừng phạt hoặc vấn đề ngân sách (ảnh minh họa). Ảnh: European Union |
Korea JoongAng Daily nhận định, chính bản thân EU cũng cần cải thiện tốc độ và hiệu quả của việc hoạch định chính sách. Theo quy định, bất kỳ chính sách nào của EU cũng cần có sự đồng ý của tất cả quốc gia thành viên. Đã có lo ngại rằng, một khi Serbia và Montenegro-vốn từng chịu ảnh hưởng của Nga suốt thời gian dài-được kết nạp, một số chính sách của EU như áp lệnh trừng phạt Nga sẽ vấp phải phản đối của các thành viên mới và do đó “chết yểu từ trong trứng nước”.
Cải cách ngân sách EU lại đặt ra một thách thức khác, khi mà 2/3 ngân sách hiện tại dành để hỗ trợ nông dân và các khu vực kém phát triển ở các nước thành viên. Vì nông dân Ba Lan chiếm 8,4% dân số EU-gấp đôi mức trung bình của EU-và có nhiều khu vực kém phát triển nên quốc gia này nhận được hỗ trợ nhiều hơn 2,5 lần so với những gì nó đóng góp. Trong khi đó, nông dân Ukraine chiếm 14% dân số EU-gấp 1,7 lần so với Ba Lan, nhiều khu vực ở Ukraine kém phát triển hơn Ba Lan. Như vậy, một khi Ukraine gia nhập EU, Ba Lan sẽ chuyển từ nước hưởng lợi ròng từ ngân sách EU thành nước đóng góp ròng. Dĩ nhiên là trước sự bất lợi to lớn này, Ba Lan có lý do chính đáng để phủ quyết việc kết nạp Ukraine vào EU.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU một tháng sau khi chiến sự nổ ra và giành được tư cách ứng cử viên chỉ 3 tháng sau đó, một tốc độ nhanh nhất trong lịch sử EU. Song chưa rõ liệu Ukraine có đủ sức tiến lên con đường dốc dẫn tới “đỉnh đồi EU” muôn vàn trắc trở này không.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/con-duong-trac-tro-750199

Ý kiến ()