Con đường TPP không chỉ toàn hoa hồng
Mới đây, vụ gà Mỹ vào nước ta và được bán với giá 20 nghìn đồng/kg đã thực sự gây nên một “cơn sóng” nhỏ với ngành chăn nuôi. Trong bối cảnh, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang vào giai đoạn cuối để tiến tới ký kết, song câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu TPP có phải con đường trải đầy hoa hồng?
Khó khăn không ít
Thực tế, nông sản vốn là nhóm hàng nước ta có thế mạnh nhất, tuy nhiên lại luôn là nhóm hàng có phong độ không ổn định khi thường xuyên “được mùa mất giá”. Với việc giảm hàng loạt các loại thuế, đây là một trong những nhóm hàng được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện” khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có TPP.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất mạnh ngay tại thị trường trong nước, do các sản phẩm chất lượng, giá rẻ từ các quốc gia trong TPP cũng sẽ được hưởng những lợi thế tương tự và sẵn sàng tràn vào Việt Nam. Đã có nhiều bình luận, nhiều lo âu nhưng dường như chỉ khi vụ gà Mỹ tràn vào Việt Nam với giá rất cạnh tranh, những vấn đề này mới thực sự được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Điều đáng nói hơn là, giá 20 nghìn đồng/kg vẫn chưa phải là giá thấp nhất, bởi TPP chưa chính thức được ký kết. Nói cách khác, dù chưa vào thời điểm “vàng”, ngành chăn nuôi đã phải chịu cạnh tranh gay gắt và trong khi nông sản Việt Nam vẫn đang “ngụp lặn” với vô vàn khó khăn thì hàng nước ngoài đã tràn vào Việt Nam, nhanh chóng được người tiêu dùng chọn lựa bởi chất lượng được bảo đảm và giá cả rất cạnh tranh.
Ngành chăn nuôi được nhận định là ngành sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu TPP được ký kết. Ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN), khi ký kết TPP, thuế suất nhập khẩu hàng hóa vào các quốc gia tham gia có thể sẽ về 0%. Do đó, nhiều DN tỏ ra lo ngại, sắp tới sẽ không cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam. Thị trường đáng e ngại nhất là Mỹ, vì đây là quốc gia có lợi thế về thức ăn chăn nuôi do có nhiều ngô và đậu tương giá rẻ. Trong trường hợp thuế nhập khẩu về 0%, thịt lợn Mỹ vào Việt Nam sẽ rẻ hơn thịt sản xuất trong nước khoảng 15-20%. Ngoài ra, Australia và New Zealand cũng là hai quốc gia có nền chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại, được dự báo sẽ cạnh tranh mạnh với ngành chăn nuôi trong nước.
Ở chiều ngược lại, hàng XK của ta chưa hẳn đã hoàn toàn thuận lợi. Đơn cử như dệt may – ngành hàng được coi là đang đứng trước “cơ hội vàng” từ TPP khi thuế XK sang các nước trong TPP có thể được giảm từ 15 – 17% so với hiện nay. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, TPP yêu cầu các sản phẩm dệt may phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc của các quốc gia tham gia TPP, trong khi ngành này từ trước đến nay phần nhiều phụ thuộc nhập khẩu từ những nước ngoài nhóm. Điều đáng lo ngại thứ hai là nhiều DN nước ngoài đang “mượn” Việt Nam làm nơi gia công để sản xuất hàng hóa XK và hưởng những lợi thế nói trên.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù không tham gia đàm phán TPP nhưng nhiều DN sợi, dệt, nhuộm của Đài Loan, Trung Quốc đã đầu tư nhiều nhà máy dệt nhuộm lớn tại Việt Nam. Điều này không quá khó để dự đoán khi nhân công Việt Nam vốn được đánh giá là rẻ và Việt Nam có nhiều chính sách ưu tiên thu hút vốn nước ngoài. Thêm lợi thế ưu đãi thuế khi gia nhập TPP, xu hướng này là điều hoàn toàn có thể đoán trước.
Xây rào kỹ thuật đủ mạnh
Song song với việc tận dụng những cơ hội lớn từ TPP, việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để bảo vệ hàng sản xuất trong nước là điều không thể chậm trễ. Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nêu thí dụ, trước đây, có thời điểm điểm kính Đáp Cầu “đắp chiếu” trong kho, không thể tiêu thụ được do phải cạnh tranh mạnh với hàng nhập khẩu. Thời điểm đó, để bảo vệ hàng sản xuất trong nước, quyết định được đưa ra là kiểm soát chặt chẽ giấy tờ đầu vào của hàng hóa và chỉ nhập khẩu những hàng hóa được kiểm định bảo đảm chất lượng đúng như quy định. Nhờ đó, lượng nhập khẩu kính giảm hẳn và kính Đáp Cầu có cơ hội phát triển.
“Thí dụ nêu trên cho thấy, trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, cần có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh, bảo đảm các cam kết quốc tế để bảo hộ hàng sản xuất trong nước. Đây cũng là cách các quốc gia đã dựng lên nhằm bảo vệ hàng hóa cho quốc gia mình”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói.
Tuy nhiên, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Một cách thông thường, ngoài hàng rào thuế thì chúng ta cũng phải áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với Việt Nam. Tuy nhiên hàng rào kỹ thuật đòi hỏi phải có các phòng thí nghiệm rất là chuẩn, có khoa học và công nghệ để chúng ta đảm bảo rằng tất cả các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam, đặc biệt là các loại thực phẩm từ gia cầm, thịt lợn, thịt bò phải bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm thì đây là cái rất quan trọng để chúng ta thực hiện”.
Bên cạnh đó, việc nhìn vào thực tế sản xuất trong nước để đưa lên bàn đàm phán những cam kết không gây sốc là điều vô cùng quan trọng. Ông Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh: “Thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi về 0% là điều đương nhiên. Nhưng thay vì ngay lập tức giảm về mức này, để tránh “gây sốc” cho sản xuất trong nước, lộ trình có thể giảm dần từ mức 20% xuống 10%, 5% rồi 0% để DN có đủ thời gian quen dần và thay đổi sao cho phù hợp với khuôn khổ hội nhập”.
Nỗ lực nội địa hóa đang là những bước đi chắc chắn và nước rút mà các DN ngành dệt may đang hướng đến. Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, hiện tỷ lệ nội địa hóa của các DN dệt may trong nước đã lên đến con số 55%.
“Sẽ không có Hiệp định nào mang lại 100% là lợi thế cho DN. Tuy nhiên, cũng không có lý do gì để đàm phán khi các ngành hàng của Việt Nam không được hưởng nhiều lợi ích hơn là khó khăn. Và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu mà DN dệt may đang làm, để tận dụng tốt nhất những lợi thế này”, ông Trường khẳng định.
TPP vẫn đang trong vòng đàm phán nước rút và các bên đang rất nỗ lực để có thể sớm đưa Hiệp định này ký kết vào cuối năm nay. Tuy nhiên, không chỉ riêng TPP mà với bất cứ một Hiệp định nào Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết, không chỉ chuẩn bị tư trang cho DN “bơi ra biển lớn”, mà thực sự cần thêm một chiếc “phao” để DN trong nước không chết chìm ngay trên chính thị trường sân nhà. Có như vậy, TPP mới thực sự là cơ hội lớn mà DN không thể bỏ lỡ.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()