Thứ 4, 25/12/2024 13:26 [(GMT +7)]
Con đường nghĩa tình quân dân
Chủ nhật, 13/02/2011 | 09:14:00 [(GMT +7)] A A
Đầu năm 2011, chúng tôi có dịp cùng Đại tá Nguyễn Đình Long, Chính ủy Đoàn Sao Vàng (Quân khu 1) đến kiểm tra và động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đội 17 Công binh, Trung đoàn Tây Sơn, đơn vị thực hiện nhiệm vụ hạ đèo Thạp giúp bà con ba xã đặc biệt khó khăn của huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) có con đường mới đúng dịp xuân về.
Đèo Thạp – nỗi lo của người dân
Đèo Thạp, cái tên chưa có trên bản đồ Việt Nam, nhưng với nhiều người dân ở ba xã: Tân Lập, Thiện Kỵ, Thanh Sơn, thuộc huyện Hữu Lũng thì địa danh này như một nỗi ám ảnh, bởi sự hiểm trở, nguy hiểm mà mỗi người dân khi qua đèo xuống chợ đều cảm thấy ớn lạnh. Các cháu học sinh mỗi ngày đi học lại mang theo nỗi lo lắng của gia đình và nhà trường về sự nguy hiểm khi qua đèo. Bao năm qua, đèo Thạp vẫn sừng sững giữa mây trời với ngút ngàn hiểm trở. Ông Hoàng Văn Hùng, người dân tộc Nùng, 52 tuổi, ở xóm Đồng Sa, xã Yên Bình, nhà ngay sát chân đèo tâm sự với chúng tôi, giọng đầy trăn trở: 'Ngày nào cũng chứng kiến cảnh người dân vác xe đạp qua đèo xuống chợ, các cháu học sinh vượt đèo, nhất là những ngày mưa gió, đường mòn ngoằn ngoèo như sợi chỉ nhỏ vắt qua đỉnh núi cây cối um tùm, dốc đá lởm chởm, trơn chuội, tôi thấy lòng mình quặn lại. Nên mỗi khi có ai qua đèo, dù bận việc đến mấy, tôi cũng dừng lại để ra sát chân đèo vừa nhắc nhở mọi người leo trèo cẩn thận, vừa sẵn sàng giúp họ'. Thế nhưng việc ngã đèo xây xát, việc rơi hàng xuống vực vẫn xảy ra như cơm bữa… và cũng chính ông là người đầu tiên lặng lẽ đến giúp họ vượt đèo để xuống chợ. Bởi ông biết, phía sau họ là cả gia đình trông chờ vào phiên xuống chợ với mong muốn giản đơn, có đủ tương cà, mắm muối cho cuộc sống đời thường của người dân nơi này. Nay, ước mơ bao đời của người dân nơi đây là hạ được đèo Thạp để tiện thông thương, giao lưu… đã trở thành hiện thực khi cán bộ, chiến sĩ công binh Trung đoàn Tây Sơn, Đoàn Sao Vàng đến hạ được đèo Thạp, mang lại niềm vui cho bao người dân nơi đây.
Quyết tâm của người lính 'Sao Vàng'
Đại tá Nguyễn Đình Long cho biết: Cách đây 5 năm, cán bộ, chiến sĩ công binh Trung đoàn Tây Sơn đã hạ độ cao của đèo Thạp được 5 m và mở rộng đường được 3 m. Nhân dân đã phần nào bớt đi nỗi vất vả khi đi lại, nhưng vẫn còn trở ngại rất lớn, bởi đường lên, xuống đèo còn rất dốc, khúc khuỷu, một bên là vách đá cao, một bên là vực sâu, cây cối rậm rạp, xe cơ giới không thể đi qua. Đợt này, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, gần 100 cán bộ, chiến sĩ công binh Trung đoàn Tây Sơn tiếp tục hạ tiếp 4 m độ cao, mở đường rộng 6 m; đổ bê-tông mặt 3,5 m, dài 400 m…
Từ Sở chỉ huy Đoàn, sau hành trình gần 40 km, chúng tôi có mặt tại đèo Thạp. Cái rét đậm nơi miền sơn cước dưới 10oC, cùng những hạt mưa nặng hạt như quất vào da thịt nhưng cũng không làm chùn bước những người lính mở đường. Trung tá Đào Quang Trình, Trợ lý Công binh Đoàn, người trực tiếp chỉ huy bộ đội hạ đèo, trao đổi với chúng tôi: Trong suốt quá trình thi công, đơn vị đã nổ mìn phá hơn tám nghìn m3 đá nền đường; đào và vận chuyển gần sáu nghìn m3 đá, cùng nhiều hạng mục như: gia cố nền, đổ bê-tông mặt đường, xây cống thoát nước… trong điều kiện chủ yếu là lao động thủ công, không gian thi công chật hẹp, cán bộ, chiến sĩ phải ăn nghỉ ở lán trại dựng tạm, nóng bức về mùa hè, buốt giá về mùa đông. Theo kế hoạch ban đầu, để hoàn tất công việc phải mất gần hai năm, nhưng đơn vị đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để hoàn tất trước khi xuân về, và coi đó như món quà của người lính Sao Vàng tặng bà con dân bản nơi đây. Trong tiếng máy, tiếng búa đập đá xen lẫn tiếng cười nói hồn nhiên của người lính đang luôn tay làm việc, chúng tôi cảm nhận được sau những giọt mồ hôi đang đổ xuống là trách nhiệm cao cả mà cán bộ, chiến sĩ muốn làm vơi đi những âu lo, vất vả cho bà con. Trung úy Chu Xuân Trường, Trung đội trưởng đang mải miết cùng bộ đội san, gạt nền đường, mồ hôi thấm đẫm lưng áo, nhưng gương mặt anh thật rạng rỡ: 'Khi mới vào làm, nhìn con đèo cao ngút, cây cối um tùm, em không khỏi chạnh lòng thương bà con mỗi khi vượt đèo'. Gạt vội những giọt mồ hôi thấm đẫm trên gương mặt sạm nắng, gió công trình, Binh nhất Nguyễn Văn Thắng và Triệu Văn Keo tâm sự: Đèo hạ xong, chúng em vui lắm, bởi không còn cảnh bà con đẩy xe mỗi khi qua đèo… Giờ nghỉ giải lao giữa đèo, các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ địa phương gánh nước chè xanh phục vụ bộ đội. Tiếng hát của người lính và nam, nữ thanh niên trong trẻo, cùng âm vang giữa đèo lộng gió.
Niềm vui khi đường thông
Gương mặt Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng Hồ Tiến Thiệu thật rạng rỡ khi nhìn con đèo thênh thang được đưa vào sử dụng. Đồng chí nói: 'Nhờ bộ đội, mà bà con nơi đây mới có con đường đẹp. Cấp ủy, chính quyền địa phương chúng tôi luôn ghi nhận sự giúp đỡ quý báu của Bộ Tư lệnh Quân khu và bộ đội Trung đoàn Tây Sơn, Đoàn Sao Vàng thật nhiều!'. Đêm giao lưu văn nghệ diễn ra ngay tại lán trại bộ đội sát chân đèo thật đầm ấm. Từ khá sớm, bà con các làng xa, bản gần cùng thầy, cô và trò Trường tiểu học và THCS xã Yên Bình đã kéo đến chung vui. Trong ánh điện máy phát, cùng ánh lửa trại tưng bừng, nhiều tiết mục văn nghệ 'cây nhà lá vườn' được bộ đội và cùng các cô giáo trẻ thể hiện khiến cho đêm giao lưu sôi động, thắm tình quân dân. Trong không khí tưng bừng của đêm giao lưu, lời bài hát 'Chín bậc tình yêu' của cô giáo trẻ Vi Thị Út, Trường tiểu học xã Yên Bình đã thay cho lời cảm ơn và chào đón các anh bộ đội về với bản. Con đường của tình quân, dân như bừng sáng, in đậm dấu chân của người lính Đoàn Sao Vàng Anh hùng.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()