LSO-Còn nhớ mùa xuân năm 2007, lần đầu tiên chúng tôi có dịp về vùng đất Lân Cà, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, khi đó con đường đèo đá Keng Căng (còn gọi là đèo Lân Cà), dài khoảng 3km, men theo triền núi đá là lối đi duy nhất vào bản Lân Cà cheo leo, hiểm trở thuộc khu vực rừng đặc dụng trên địa bàn các xã Hữu Liên (Hữu Lũng)-Trấn Yên (Bắc Sơn). Chiếc xe U oát của UBND huyện Bắc Sơn gầm gừ trên những hộc đá lổn nhổn, vượt qua từng mét đường dốc dựng đứng, chúng tôi chỉ biết bám chặt vào thành ghế, chiếc xe cứ thế từng bước vượt đèo. Vượt qua đèo xuống tới địa phận bản Lân Cà, ngoái đầu trở lại con đường đèo hiểm trở lưu trong mắt chúng tôi chỉ là một đường kẻ cong queo nhỏ bé giữa núi rừng đại ngàn. Ban đầu, cái tên Lân Cà đối với chúng tôi vừa quen vừa lạ. Quen vì đã từng nghe các đồng nghiệp kể về những câu chuyện khó khăn trên vùng đất là nơi định cư của đồng bào dân tộc Dao, xã...
LSO-Còn nhớ mùa xuân năm 2007, lần đầu tiên chúng tôi có dịp về vùng đất Lân Cà, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, khi đó con đường đèo đá Keng Căng (còn gọi là đèo Lân Cà), dài khoảng 3km, men theo triền núi đá là lối đi duy nhất vào bản Lân Cà cheo leo, hiểm trở thuộc khu vực rừng đặc dụng trên địa bàn các xã Hữu Liên (Hữu Lũng)-Trấn Yên (Bắc Sơn).
Chiếc xe U oát của UBND huyện Bắc Sơn gầm gừ trên những hộc đá lổn nhổn, vượt qua từng mét đường dốc dựng đứng, chúng tôi chỉ biết bám chặt vào thành ghế, chiếc xe cứ thế từng bước vượt đèo. Vượt qua đèo xuống tới địa phận bản Lân Cà, ngoái đầu trở lại con đường đèo hiểm trở lưu trong mắt chúng tôi chỉ là một đường kẻ cong queo nhỏ bé giữa núi rừng đại ngàn. Ban đầu, cái tên Lân Cà đối với chúng tôi vừa quen vừa lạ. Quen vì đã từng nghe các đồng nghiệp kể về những câu chuyện khó khăn trên vùng đất là nơi định cư của đồng bào dân tộc Dao, xã Trấn Yên. Lạ, là vì chúng tôi chưa từng đặt chân đến. Nhưng giờ đây những nỗi lo lắng về đường sá cách trở đang dần qua đi, bởi từ năm 2009, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, con đường 243 nối hai huyện Hữu Lũng và Bắc Sơn đã được đầu tư xây dựng.
|
Xứ Lạng vào xuân – Ảnh: Hòa Lộc |
Dự án đường 243 đoạn chạy qua các xã Yên Thịnh, Hữu Liên, Trấn Yên và Hưng Vũ được triển khai từ tháng 4 năm 2010, công trình có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng bởi chạy qua hàng loạt các thôn bản đặc biệt khó khăn, nhất là các thôn Lân Châu xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng và thôn Lân Cà thuộc xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Từ khi dự án được triển khai đến nay luôn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung tháo gỡ những vướng mắc. Đến nay, tiến độ công trình đang được các nhà thầu đẩy nhanh, toàn bộ nền đường trên chiều dài tuyến là hơn 33km đã cơ bản thực hiện xong. Các hạng mục công trình như hệ thống cống thoát nước, cầu bản, hay các hạng mục phải thi công trong điều kiện phức tạp như phá đá, hạ đèo, mở rộng nền đường đèo đang được các đơn vị tập trung nguồn lực thi công.
Có mặt tại chân đèo Keng Căng khi những kỹ sư thuộc Công ty xây lắp Thành An, đơn vị thi công gói thầu trên địa bàn xã Trấn Yên, đang thực hiện nhiệm vụ hạ đèo đá Keng Căng với chiều dài phụ trách xây lắp gần 1km thông tuyến vào thôn Lân Cà. Anh Hiến, đội trưởng phụ trách thi công toàn tuyến cho biết, từ trước tới nay đã từng làm nhiều công trình vùng sâu đặc biệt khó khăn nhưng chưa thấy nơi đâu điều kiện đi lại khó khăn như đường vào thôn Lân Cà. Vì vậy, đội thi công của công ty quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình, góp phần giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo. Anh cho biết thêm, để hạ được đèo đá Keng Căng phải mất 3 tháng, bởi đây là khu vực dân cư thuộc thôn Làng Rộng, do dùng mìn phá đá nên đơn vị phải xây dựng giải pháp thi công an toàn, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống cũng như vật kiến trúc của bà con trong khu vực.
Dời khu vực chân đèo, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vượt đèo vào bản Lân Cà. Mặc dù đường chưa dễ đi nhưng con đường khá sôi động bởi có sự góp mặt của những chiếc xe máy ra vào khu vực rừng đặc dụng vận chuyển, khai thác gỗ. Tới đỉnh đèo, đang vào thời điểm giữa giờ trưa nhưng hoạt động vận chuyển gỗ khá nhộn nhịp, bất chấp địa hình đèo hiểm trở, một bên là núi, một bên là vực thẳm, từng nhóm người vận chuyển gỗ cứ nối đuôi nhau chạy ngược chạy xuôi. Xuống dưới chân đèo thuộc địa phận thôn Lân Cà, không khí càng nhộn nhịp hơn, những chiếc xe máy đào chở đất đá đang hoàn thiện những mét nền đường cuối cùng.
Theo kế hoạch, đến hết 6 tháng đầu năm 2011, dự án đường 243 chạy qua xã Yên Thịnh, Hữu Liên (Hữu Lũng) và xã Trấn Yên, Hưng Vũ (Bắc Sơn) sẽ hoàn thành. Khi đó, con đường thênh thang sẽ tạo cú hích quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đối với đồng bào trong vùng.
Công Quân
Ý kiến ()