Con đường lên “ngôi vương” của ô tô Trung Quốc
Việc tập trung đầu tư vào xe điện và áp dụng cách tiếp cận thị trường hiệu quả giúp Trung Quốc từng bước vươn lên trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới.
Mới đây, trang Caixin Global dẫn số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã đạt 2,34 triệu xe, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là lần đầu tiên số xe ô tô xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Bắc Kinh soán ngôi Nhật Bản đứng đầu thế giới. Trước đó, trong quý I-2023, quốc gia tỷ dân cũng đã lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản về xuất khẩu ô tô theo quý. Trong khi đó, South China Morning Post cho biết, Hiệp hội xe chở khách Trung Quốc (CPCA) thống kê nước này xuất khẩu được 310.000 xe tính riêng tháng 7 vừa qua, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để so sánh, chỉ mới vài năm trước, nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu ô tô của Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn. Đơn cử, năm 2015, nước này xuất khẩu dưới 375.000 xe, chỉ bằng lượng xuất khẩu của Đức và Nhật Bản trong một tháng. Tuy nhiên, đến năm 2021 và 2022, con số đó lần lượt bật tăng 1,6 triệu và 2,7 triệu chiếc. Một số nhà phân tích cho rằng xe hơi Trung Quốc xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng và có thể đạt trên 4 triệu chiếc trong năm nay.
Sự tăng trưởng thần tốc này từ ngành ô tô Trung Quốc trước hết có được chính là nhờ vào lợi thế cạnh tranh của xe điện. Theo Caixin Global, vào cuối thập niên 2000, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện nhiều ưu đãi về mua bán và thuế để hỗ trợ ngành ô tô điện nội địa khi dự đoán phân khúc này sẽ sớm là “đấu trường” quy mô toàn cầu. Từ đây, những khoản đầu tư lớn vào hệ sinh thái xe điện giúp Bắc Kinh nhanh chóng sở hữu lợi thế cạnh tranh ở hầu hết khía cạnh của chuỗi giá trị để dẫn đầu cuộc đua xe điện trên thế giới. Hiện quốc gia Vạn Lý Trường Thành có khoảng 200 nhà lắp ráp xe điện đang phát triển những phương tiện giao thông xanh và thông minh. Cũng theo CAAM, số xe năng lượng mới (NEV), bao gồm các mẫu xe thuần điện và xe hybrid, trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên 534.000 chiếc, chiếm gần 25% tổng lượng ô tô xuất khẩu của Trung Quốc.
Ô tô được tập kết để chuẩn bị đưa lên tàu xuất khẩu ở cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
Từng “thành danh” ở một số thị trường mới nổi tại châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ nhưng hiện châu Âu mới là điểm đến quốc tế lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Sự hiện diện ngày càng tăng của ô tô điện Trung Quốc ở “lục địa già” được thể hiện rõ tại Đức-thị trường xe hơi lớn nhất khu vực. Tính đến quý I năm nay, đã có 6 hãng Trung Quốc bán xe điện ở Đức, so với chỉ 2 vào cùng kỳ năm ngoái. Các công ty này cũng ghi nhận doanh số bán hàng chiếm 3,7% tổng doanh số bán xe điện ở Đức trong giai đoạn này, tăng từ 1,2% của quý I-2022. Báo cáo của công ty phân tích thị trường Allianz Research (Đức) nhấn mạnh 3 trong số những chiếc xe điện bán chạy nhất châu Âu năm 2022 là hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Với xu hướng bảo vệ môi trường, xe điện là thành phần chính trong giao thông xanh toàn cầu. Công ty tư vấn AlixPartners (Mỹ) cho rằng sức mạnh chuỗi cung ứng pin-yếu tố quyết định hiệu suất và giá của xe điện-tiếp tục giúp tăng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. AlixPartners ước tính xe điện sẽ chiếm 39% doanh số bán xe mới ở Trung Quốc vào năm 2027, cao hơn mức thâm nhập toàn cầu dự kiến của loại phương tiện này là 23%.
Mặt khác, The Economist lại đề cao sự nhạy bén, linh hoạt trong tiếp cận thị trường quốc tế của ngành ô tô Trung Quốc. Khi hầu hết các hãng xe hơi phương Tây ngừng hoạt động tại Nga với lý do Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì những đối thủ Trung Quốc của họ nhanh chóng khỏa lấp chỗ trống đó. Nga hiện là thị trường nhập khẩu nhiều xe Trung Quốc nhất. Cơ quan phân tích Autostat của Nga cho biết, trong nửa đầu năm 2023, nước này đã nhập khẩu gần 300.000 ô tô Trung Quốc, tăng gấp 6 lần so với năm ngoái. Một lựa chọn để các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc nâng cao hình ảnh, tiếp cận công nghệ tiên tiến và giảm thiểu rủi ro khi “vươn ra biển lớn” là mua lại những thương hiệu phương Tây. Đó là cách mà SAIC Motor hay Geely đã làm khi lần lượt sở hữu MG Motor của Anh và Volvo Cars của Thụy Điển. Một thống kê từ SAIC Motor cho biết các sản phẩm mang logo MG chiếm gần 70% doanh số bán hàng ở nước ngoài của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm nay.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/con-duong-len-ngoi-vuong-cua-o-to-trung-quoc-740771
Ý kiến ()