Kỳ I: 3 năm - một chặng đường nỗ lựcLSO-Cho đến nay, hội nhập kinh tế đã trở nên một cụm từ không mấy xa lạ với nhiều người dân Xứ Lạng. Theo các chuyên gia, hiểu theo cách đơn giản nhất, đó là sự gắn kết nền kinh tế nước ta với nền kinh tế khu vực và nền kinh tế thế giới theo luật chơi chung. Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh cũng như thực trạng địa phương, 3 năm qua kể từ khi gia nhập WTO, cấp ủy, chính quyền tỉnh ngày càng có sự tập trung trong chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng cải thiện môi trường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế và bước đầu thu được những kết quả nhất định. Phân xưởng tiện của Công ty TNHH Bảo Long - Ảnh: M.V.HNăm 2007, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, yêu cầu hội nhập và phát triển đòi hỏi Lạng Sơn - một tỉnh...
Kỳ I: 3 năm – một chặng đường nỗ lực
LSO-Cho đến nay, hội nhập kinh tế đã trở nên một cụm từ không mấy xa lạ với nhiều người dân Xứ Lạng. Theo các chuyên gia, hiểu theo cách đơn giản nhất, đó là sự gắn kết nền kinh tế nước ta với nền kinh tế khu vực và nền kinh tế thế giới theo luật chơi chung.
Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh cũng như thực trạng địa phương, 3 năm qua kể từ khi gia nhập WTO, cấp ủy, chính quyền tỉnh ngày càng có sự tập trung trong chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng cải thiện môi trường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế và bước đầu thu được những kết quả nhất định.
Phân xưởng tiện của Công ty TNHH Bảo Long – Ảnh: M.V.H
Năm 2007, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, yêu cầu hội nhập và phát triển đòi hỏi Lạng Sơn – một tỉnh miền núi, biên giới, tuy có những lợi thế nhất định nhưng còn nhiều khó khăn phải vươn lên một tầm cao mới. Trước thực tế đó, tỉnh đã xây dựng, ban hành một chương trình hành động cụ thể mang tính chiến lược lâu dài để đảm bảo cho hội nhập thành công. Thực ra, chương trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh đã được xây dựng từ năm 1995, khi Việt Nam gia nhập AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN). Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ chủ yếu của chương trình đề ra như : thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế, thời cơ và thách thức – đến các sở, ngành, huyện, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn; rà soát các văn bản pháp luật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để phù hợp với các quy định của WTO; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế như xúc tiến thương mại, đầu tư, đăng ký thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư… Thông qua Trung tâm Xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Một số chương trình xúc tiến thu hút đầu tư đã được tổ chức khá thành công ở trong, ngoài tỉnh và nhận được sự quan tâm của nhiều chủ đầu tư với các dự án cụ thể. Lãnh đạo tỉnh và một số ngành chức năng như hải quan, thuế định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Do từng bước vận dụng hợp lý tiềm năng, thế mạnh, Lạng Sơn đã bước đầu gặt hái được những thành quả nhất định từ hội nhập kinh tế. 5 năm 2006 – 2010, mặc dù chịu ảnh hưởng xấu do biến động thất thường của kinh tế thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn tỉnh vẫn đạt mức 10,45%, cao hơn mức trung bình của cả nước và cao hơn mức trung bình giai đoạn 2000 – 2005. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế năm 2010 là 15,6 triệu đồng (tương đương 840 USD), gấp 2,7 lần so với năm 2005; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 19.500 tỷ đồng, gấp 2,1 lần thời kỳ 2001 – 2005.
Nhìn nhận một cách khách quan, mặc dù tỉnh ta đã thu được những thành quả nhất định, song, những hạn chế, yếu kém trong chặng đường hội nhập vừa qua cũng đã dần bộc lộ. Điều dễ nhận thấy là công tác tuyên truyền về hội nhập chưa đi vào chiều sâu, nhất là những thông tin cần thiết về thị trường khu vực cũng như thế giới để giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng lộ trình phù hợp. Nhiều doanh nghiệp hiểu biết nông cạn hoặc không đầy đủ về hội nhập. Do đó, luôn bị động và thường thua thiệt trong hội nhập. Nhiều chương trình thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả.
Hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu Hữu Nghị – Ảnh: La Nam
Ông Lê Minh Thanh, nguyên Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn cho rằng : “Trước yêu cầu hội nhập toàn diện với kinh tế quốc tế sau khi gia nhập WTO, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Chương trình hành động số 09 – CTr/TU ngày 24/4/2007, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác hội nhập, thực hiện xây dựng “Chương trình hành động hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo đó, đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chủ yếu đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về thời cơ, thách thức, lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO; thực hiện bồi dưỡng theo các chuyên đề liên quan đến WTO cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như đẩy mạnh thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua và điều chỉnh phù hợp với tình hình mới nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Từ đầu năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện rà soát và công bố 1.272 thủ tục hành chính, trong đó có 917 thủ tục cấp tỉnh, 220 thủ tục cấp huyện và 135 thủ tục cấp xã. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại các cơ quan, đơn vị; thực hiện việc sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thực hiện cơ chế “một cửa” đối với một số lĩnh vực tại Sở Công thương phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành. Đây chính là những nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp, ngành chức năng của tỉnh trong việc chuẩn bị những điều kiện thiết yếu để dẫn dắt nền kinh tế của tỉnh hội nhập thành công.
Hoàng Thái
Ý kiến ()