Con đường Hạnh Phúc dẫn đến di sản Cao nguyên đá Đồng Văn
Năm 1965, tuyến đường Hạnh Phúc được xây dựng bởi công sức và máu xương của lực lượng thanh niên xung phong, đã được thông tuyến, mang lại no ấm cho đồng bào các dân tộc vùng địa đầu Tổ quốc.
Con đường Hạnh Phúc, con đường huyền thoại nối từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, có chiều dài gần 200km.
Tuyến đường được khởi công vào ngày 10/9/1959 và đến đích huyện Mèo Vạc vào ngày 20/3/1965. Sau 6 năm thi công với hơn 2 triệu ngày công, 14 thanh niên xung phong đã phải vĩnh viễn nằm lại “miền đá lạnh.”
Những năm 1960 trở về trước, để đến được 4 huyện vùng cao của Hà Giang, chỉ có đường mòn đủ để người và ngựa men theo sườn vách núi đá.
Phía sau cổng trời Quản Bạ, hơn 8 vạn đồng bào phải chịu cảnh nghèo đói lạc hậu, sống tách biệt với bên ngoài. Mọi việc vận chuyển chủ yếu nhờ vào sức ngựa và sức người mang vác. Nỗi vất vả cực nhọc đó thể hiện qua câu thơ:
“Quẩy tấu đè vai đè cả cuộc đời
Dấu chân đất in trên đường vạn dặm,…
“Sống trên đá chết vùi trong đá,” đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn ước ao có một con đường thông thương cho vùng Cao nguyên đá.
Con đường đó không chỉ mang lại ánh sáng văn minh cho người dân mà còn xóa đi tính biệt lập làm căn cứ cho những mưu toan và hành vi đen tối của các thế lực thổ ty, chúa đất đã bao năm hà khắc.
Chính vì lẽ đó, năm 1959, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định giao cho Khu tự trị Việt Bắc mở một con đường dài 184km từ thị xã Hà Giang (nay là thành phố Hà Giang) lên Đồng Văn qua đỉnh Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc.
“Đường gian khó mới là đường hạnh phúc
Đường ta mở mới là đường sống thực
Nên gian lao ta có kể gì…”
Ông Nguyễn Mạnh Thùy, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang mở đầu câu chuyện ký ức của mình bằng những vần thơ khuyết danh xúc động được lưu truyền ngày ấy.
Ông Thùy cho biết, bọn phỉ luôn quấy nhiễu, luôn có ý đồ phá hoại quyết tâm làm đường, chúng ra sức tung tin xấu hòng gây lung lạc, chia rẽ niềm tin của đồng bào.
Để hoàn thành con đường lịch sử này đã phải huy động một lực lượng lớn thanh niên xung phong của 8 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và hai tỉnh miền xuôi là Nam Định, Hải Dương.
Với 2.246.321 ngày công mở đường, trong đó trên 1,2 triệu ngày công là do thanh niên xung phong, còn lại là lực lượng dân công. Càng lên cao, đi xa thì càng vất vả, hiếm ngọn rau, thiếu nước uống.
Mỗi người vào buổi sáng được phát một ca nước, ca nước ấy vừa dùng để đánh răng, rửa mặt xong còn lấy nước đó để đổ lỗ choòng (lỗ được đục bằng cây choòng trên những tảng đá để phá đá).
Một tuần mỗi công nhân được nghỉ một ngày để đi hàng chục km tìm nguồn nước tắm. Nước quý hơn vàng. Nhà thơ Xuân Diệu lên thăm công trường đã cảm thán mấy vần thơ:
“Rửa mặt xong nửa ca nước đổ dồn
Chiều rửa chân tay đem ra giặt
Giữ lại hôm sau đổ lỗ choòng.”
Ông Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang nhớ lại: Con đường khởi công từ ngày 10/9/1959, đến ngày 20/3/1963, được khơi thông lên đến huyện Đồng Văn.
Chuyến xe đầu tiên của Hà Giang lên Đồng Văn là chở muối, dầu, gạo và sách vở cho học sinh… Gần 1.000 đồng bào ở Đồng Văn đến sờ vào cái xe ô tô, đồng bào thấy muối, thấy dầu và thấy gạo, thấy sách vở… nhiều cụ già đã bật khóc.
Đoạn cuối con đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc cũng là đoạn đường gian nan nhất. Độ cao khiến Ban chỉ huy công trường phải tổ chức khám tuyển sức khỏe, tuyển 30 thanh niên vào “Đội dũng cảm” để thi công đoạn đèo Mã Pì Lèng.
Công trường đã đầu tư trang bị tới 2 tấn dây thừng dùng để căng theo vách núi đá, hàng ngày lực lượng công nhân trong Đội dũng cảm treo mình trên vách đá để đục lỗ choòng, phá từng tấc đá để mở đường với hơn 11 tháng làm việc trong điều kiện treo mình trên vách đá. Quá trình thi công có 14 thanh niên xung phong đã hy sinh, nằm lại vĩnh viễn nơi “miền đá lạnh.”
Sau gần 6 năm đầy gian nan vất vả, chỉ bằng dụng cụ thô sơ, hoàn toàn thủ công, với bàn tay, khối óc và sức lao động cần mẫn, kiên cường, ngày 10/3/1965 đã chính thức khai thông tuyến đường từ Hà Giang lên Đồng Văn và sang Mèo Vạc với chiều dài 184km.
Ông Nguyễn Cao Vãng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong cho biết, con đường Hạnh Phúc của Hà Giang nằm trong chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Đây là con đường có ý nghĩa về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng ở vùng địa đầu của Tổ quốc.
Con đường được Bác Hồ kính yêu đặt tên là Hạnh Phúc bởi nó mang lại no ấm cho đồng bào các dân tộc vùng địa đầu của Tổ quốc, đặc biệt là Hà Giang.
Ngày nay, trước sự đổi thay của đồng bào bốn huyện vùng cao, khó ai có thể tin rằng những dụng cụ thô sơ khi xưa mà lớp lớp thanh niên xung phong năm xưa có thể làm nên con đường huyền thoại.
Tự hào hơn khi Cao nguyên đá Đồng Văn được tổ chức UNESCO công nhận, gia nhập vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu vào cuối năm 2010.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng tăng, chỉ riêng năm 2018, lượng khách đến Hà Giang đã đạt trên 1 triệu lượt người; nguồn thu từ du lịch và dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng./.
Ý kiến ()