Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, Đảng và Nhà nước ta quyết định xây dựng đường tuần tra biên giới (TTBG) trên đất liền.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 10-6-2005, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án đường TTBG (gọi tắt là BQLDA 47) để giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý Dự án, giám sát, điều hành các đơn vị thi công. Ngay sau thành lập, BQLDA đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng các văn bản, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, ra nhiều thông tư, quyết định, hướng dẫn, nhằm thống nhất quy trình, quy định, tiêu chuẩn xây dựng đường TTBG. Ngày 14-3-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 313 phê duyệt “Đề án Quy hoạch xây dựng đường TTBG đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”.
Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 1.400 km, với Lào hơn 2.000 km và Cam-pu-chia khoảng 1.270 km. Theo quy hoạch, hệ thống đường TTBG được xây dựng trên địa bàn của 25 tỉnh có biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với tổng chiều dài 10.196 km, nền đường rộng 5,5 m, mặt đường rộng 3,5 m, kết cấu mặt đường bê-tông xi-măng hoặc đá dăm nhựa, toàn bộ công trình trên đường được xây dựng vĩnh cửu, trong đó xây mới đường ô-tô khoảng 8.000 km. Tuyến biên giới phía bắc, địa hình núi rừng hiểm trở, bị chia cắt bởi sông, suối; phía tây nam, phần lớn là đồng bằng ngập nước, đường cơ động ra biên giới chưa có hoặc rất xấu; điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều khu vực chưa được rà phá bom, mìn. Trước những khó khăn đó, BQLDA chủ động xây dựng nhiều giải pháp, thực hiện nghiêm các quy định về lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xây dựng đường, bảo đảm đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, BQLDA 47 đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các khâu, từ khảo sát, thiết kế, tổ chức lực lượng, bảo đảm nguyên vật liệu, đến phối hợp chính quyền và nhân dân địa phương tham gia giải phóng mặt bằng, quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Triển khai thực hiện công trình, BQLDA khảo sát, thiết kế xong 32 dự án, với tổng chiều dài 1.527 km; 22 dự án đã tổ chức thi công với chiều dài 1.005 km; trong đó, đã xây dựng 300 km mặt đường bê-tông xi-măng. Các công trình được nghiệm thu đều bảo đảm chất lượng theo quy định. Kết quả đạt được đã phục vụ trực tiếp công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; phù hợp quy hoạch hệ thống đồn, trạm biên phòng, các khu kinh tế – quốc phòng ở khu vực biên giới, quy hoạch sử dụng đất và kết cấu hạ tầng trên từng địa bàn, thống nhất và phù hợp quy hoạch phát triển của các ngành, địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp và bố trí lại cụm, điểm dân cư, khu kinh tế mới, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.
Qua năm năm, quản lý xây dựng đường TTBG, BQLDA 47 bước đầu xác định một số bài học kinh nghiệm làm cơ sở để tiếp tục triển khai nhiệm vụ những năm tiếp theo.
Trong giai đoạn 2006-2010, có 221 đơn vị tham gia, thuộc 78 đầu mối, gồm 18 đơn vị công binh và 60 doanh nghiệp quân đội. Trong đó, có 19 đơn vị tham gia khảo sát thiết kế đường; 32 đơn vị tư vấn, giám sát thi công; 11 công ty tham gia bảo hiểm công trình, 27 đơn vị tham gia thí nghiệm hiện trường… Quá trình triển khai nhiệm vụ, BQLDA biên soạn đồng bộ nhiều tài liệu; đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh, thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình thi công, tiêu chuẩn nghiệm thu mặt đường bê-tông xi-măng… trình Bộ Quốc phòng ký và ban hành; phối hợp Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng và ban hành định mức, đơn giá thi công, thống nhất tỷ lệ chi phí quản lý dự án… BQLDA tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về khảo sát thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng. Bảo đảm chất lượng mặt đường bê-tông xi-măng, tổ chức tập huấn về xây dựng mặt đường cho tất cả các đơn vị và thi công mẫu ở các khu vực để rút kinh nghiệm. Sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ mọi mặt đã tạo thuận lợi để các đơn vị thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn quy định; đồng thời là cơ sở để BQLDA duy trì công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị trên cả năm nội dung: tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, đánh giá, BQLDA chỉ rõ những hạn chế của một số đơn vị và yêu cầu kiên quyết khắc phục.
Đảng ủy BQLDA tập trung lãnh đạo xây dựng cơ quan vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hằng năm, BQLDA có 100% số đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, trong đó hơn 90% số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. BQLDA hướng dẫn các đơn vị thi công thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị theo quy định; tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng đường TTBG và ý nghĩa quan trọng của con đường; từ đó xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. BQLDA đã tổ chức phát động đợt thi đua xây dựng đường TTBG giai đoạn 2006-2010, lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng. Lực lượng phân tán, điều kiện lao động phức tạp, nhưng BQLDA và các đơn vị thi công triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tập trung làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng những việc làm thiết thực, sát với cương vị, chức trách được giao; chú trọng đột phá vào khâu yếu, mặt yếu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và chất lượng công trình.
Thực tiễn thi công một số tuyến đường đã nảy sinh nhiều khó khăn hơn dự kiến, từ thời tiết mưa nắng thất thường, sạt lở đất trên đường vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng… Để hoàn thành nhiệm vụ, BQLDA chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các bước trinh sát thực địa, nắm địa hình, dân cư, thời tiết; dự kiến sát, đúng, những khó khăn nảy sinh và đề ra các biện pháp khắc phục. BQLDA thực hiện tốt nền nếp giao ban tháng tại công trường, giao ban quý tại khu vực, có sự tham gia của các ban, ngành địa phương liên quan; qua đó, kịp thời giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, cấp ứng, thanh, quyết toán…
Nhân dân khu vực biên giới hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, đời sống kinh tế, văn hóa và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội còn hạn chế. Tại các địa bàn này, tình hình an ninh, trật tự cũng diễn biến phức tạp, vì vậy, BQLDA chỉ đạo các đơn vị tham gia thi công phối hợp Bộ đội Biên phòng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương giải quyết các vấn đề liên quan (nhất là giải phóng mặt bằng), theo đúng pháp luật Nhà nước, hợp lòng dân. Trên các địa bàn thi công, các đơn vị tích cực giúp đỡ địa phương xóa đói, giảm nghèo, tổ chức giao lưu nghệ thuật, thể thao, củng cố tình đoàn kết gắn bó quân – dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Đối với những vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, BQLDA chủ động xin ý kiến các cơ quan chức năng Nhà nước để thống nhất phương hướng giải quyết.
Trên cơ sở quy định của Bộ Quốc phòng, các đơn vị chú trọng tuyển chọn, tạo việc làm cho người dân địa phương. BQLDA chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện nghiêm Luật Lao động, quan tâm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe bộ đội và công nhân viên trên công trường; thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Các đơn vị, doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận đổi mới trang bị, hiện đại hóa phương tiện, chủng loại theo tính chất nhiệm vụ, vừa bảo đảm nhiệm vụ trước mắt, vừa nâng cao năng lực, năng suất thi công. BQLDA đã giới thiệu và hướng dẫn các đơn vị mua sắm trang bị phù hợp (có một số trang bị bắt buộc phải có để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật). Mặt khác, các đơn vị kết hợp phương tiện, trang bị hiện đại với thô sơ, phù hợp điều kiện thi công, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Đường TTBG trên đất liền đi qua nhiều địa hình hiểm trở. Bằng tài năng và sức sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ, các đơn vị quân đội đã hoàn thành xây dựng tuyến đường TTBG trên địa bàn ba tỉnh: Quảng Ninh, Kon Tum và Gia Lai. Từ năm 2011 đến 2015, đường TTBG theo quy hoạch sẽ được xây dựng trên địa bàn 18 tỉnh (riêng bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đưa vào quy hoạch giai đoạn sau năm 2015). Phát huy kết quả và những bài học kinh nghiệm, BQLDA 47 đoàn kết, phối hợp chặt chẽ các đơn vị, quyết tâm xây dựng đường TTBG bảo đảm đúng kế hoạch, đáp ứng các yêu cầu “công trình tốt, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả”.
Ý kiến ()