CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ 30/4/1975
LSO- Chặng đường lịch sử, sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam ta đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn ra và chuẩn bị rất sớm, ngay từ khi cuộc kháng chiến chống pháp còn chưa kết thúc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi pháp có nguy cơ thất thủ, Mỹ đã có ý đồ can thiệp bằng quân sự để cứu vãn tình thế quân Pháp ở Đông Dương. Ý đồ đó được bộc lộ rõ hơn trong Hội nghị Zơ-ne-vơ, Mỹ đã âm mưu can thiệp vào Việt Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta bằng giới tuyến tạm thời vĩ tuyến 17; nhằm ngăn chặn làn sóng Cộng sản phát triển xuống Đông Nam Á.
Theo hiệp định zơ-ne-vơ, vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam Bắc để pháp rút quân. Sau hai năm Việt Nam sẽ tổng tuyển cử bầu ra một chính phủ thống nhất. Sau này, ta càng chấp hành tốt nội dung Hiệp định Zơ-ne-vơ Mỹ ngụy càng phá hoại. Chúng đã dựng lên chính phủ bù nhìn ngụy quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam, đơn phương phá hoại những điều khoản của hiệp định, lê máy chém khắp miền Nam, truy bắt, thủ tiêu cán bộ cách mạng, hòng chiếm đất giành dân, gây tổn thất rất nặng nề cho lực lượng cách mạng. Trước tình hình đó Đảng ta đã chỉ đạo, đấu tranh toàn diện cả chính trị – quân sự ngoại giao, bằng 3 mũi giáp công, trên cả ba cùng chiến lược: vùng núi, đồng bằng và đô thị . Lấy đấu tranh vũ trang và thắng lợi trên chiến trường là nhân tố quyết định, Chiến lược giải phóng miền Nam cũng đã được Bác Hồ chỉ rõ; phải đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Trong hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước Quân đội nhân dân Việt Nam, quân giải phóng miền Nam phối hợp với nhân dân và các lực lượng mở 50 chiến dịch lớn nhỏ, quy mô từ cấp Sư đoàn đến nhiều Quân đoàn. Trong đó 38 chiến dịch trên chiến trường miền Nam, 8 chiến dịch chiến trường Lào, 3 chiến dịch chiến trường Cam-pu-chia, và một chiến dịch diễn ra trên bầu trời Hà Nội, đó là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm. Ta đã đánh thắng chiến dịch tập kích bằng B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ ngụy phải ngồi vào bàn Đàm phán. Sách lược vừa đánh vừa đàm, lấy thắng lợi quân sự trên chiến trường làm chính, buộc quân Mỹ phải rút quân về nước, chiến lược giải phóng miền Nam, đánh cho mỹ cút của ta đã đạt dược ý định. Từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến ngày 8 tháng 1 năm 1975, Bộ chính trị trung ương đảng ta đã họp thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 hoặc 1976, nếu thời cơ đến thì giải phóng ngay trong năm 1975. Công tác chuẩn bị đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cố gắng với nỗ lực cao nhất. Vì thế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; chỉ bằng ba chiến dịch lớn, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên ngày 4 tháng 3, ta nghi binh ở Kon Tum – Đắc lắc, đánh mạnh ở Buôn Mê Thuột, trận then chốt mở màn chiến dịch, giải phóng Buôn Mê Thuột 11 tháng 3, tiếp theo là các trận trên địa bàn tây nguyên, đến 24 tháng 3 chiến dịch tây nguyên kết thúc. đã tạo đột biến trên chiến trường, tạo thời cơ tiêu diệt lớn quân địch; Ta đã điểm trúng huyệt làm địch mất phương hướng, rung chuyển toàn miền Nam.
Tiếp theo là chiến dịch Huế – Đà Nẵng từ ngày 25 tháng 3 đến 29 tháng 3. Ta tập trung lực lượng tấn công địch, nhanh chóng làm chủ, giải phóng thành phố Huế và Đà Nẵng. Đồng thời đưa lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa ngày 28 tháng 4.
Ngày25 tháng 4 Bộ Chính trị họp nhận định thời cơ đã đến, tập trung lực lượng đánh trận quyết chiến chiến lược,với tư tưởng táo bạo, thần tốc , bất ngờ, mở chiến dịch Sài Gòn – Gia Định giải phóng miền Nam. Sau đó Bộ tư lệnh chiến dịch đã đề nghị Bộ chính trị đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26 tháng 4 chiến dịch mở màn, lực lượng tham gia gồm 4 quân đoàn chủ lực và các đơn vị địa phương, hình thành 5 cánh quân trên năm hướng, tiến về Sài Gòn – Gia Định. 10h45 xe tăng giải phóng húc đổ cánh cổng sắt tiến vào dinh Độc Lập. 11giờ 30, lá cờ của quân giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chấm dứt hơn 20 năm chia cắt đất nước. Thừa thắng xông lên, đến ngày 2/5/1975 toàn bộ miền Nam được giải phóng. Kết thúc chiến dịch, Hồ Chí Minh, ta đã đập tan đầu não cơ quan Trung ương của chính quyền Việt Nam cộng hòa, đất nước ta hoàn toàn độc lập thống nhất.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lạng Sơn là tuyến đầu; vừa là hậu phương lớn cùng với cả nước chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Là tuyến đầu vì: Đồng Đăng – thị xã Lạng Sơn – Đồng Mỏ, Chi Lăng; là những nơi tiếp nhận các loại vũ khí, thiết bị quân sự của các nước XHCN; viện trợ để chuyển vào miền Nam đánh Mỹ. Đã có hàng vạn thanh niên tham gia lực lượng dân quân, tự vệ, thanh niên xung phong, văn công hỏa tuyến đánh máy bay địch, giải tỏa hàng hóa, bảo vệ cảng nổi. Tiêu biểu như tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang – huyện Chi Lăng bắn rơi máy bay phản lực f105 của không lực Hoa Kỳ. Là hậu phương vì: Lạng Sơn đã cùng cả nước quyết tâm “Tất cả vì miền Nam thân yêu, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; Với phong trào, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lạng Sơn đã gửi ra tiền tuyến hàng triệu tấn lương thực, hàng vạn người con ưu tú của Lạng sơn đã cầm súng ra trận; gần một nửa trong số đó đã mãi mãi không trở về, rất nhiều người đã để lại một phần xương máu trên chiến trường hay bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam Di-ô-xin. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lạng sơn Có 9 tập thể và 7 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 70 bà mẹ đựơc tuyên dương danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Kế thừa và phát huy giá trị lịch sử chiến thắng 30.4, trong tình hình hiện nay, để giữ gìn thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong công cuộc đổi mới hiện nay xây dựng LLVT nhân dân, Quân đội nhân dân, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN là một yêu cầu khách quan. Xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phải lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, để quân đội, LLVT phải thực sự là lực lượng chính trị tin cậy trung thành vô hạn với Đảng, Nhà nước và nhân dân; vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Xây dựng quân đội phải đi đôi với chống các quan điểm thù địch, luận điệu tuyên truyền phản động sai trái đòi phi chính trị hóa quân đội, đưa quân đội ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chia rẽ mối quan hệ của quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Khắc phục cho được những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, xem nhẹ vai trò của quân đội và LLVT trong thời bình. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30 tháng 4, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; đây là dịp để mỗi người dân Việt nam ta ôn lại chặng đường lich sử dân tộc ta đã đi, thấy được sự hy sinh cống hiến vô giá của cha ông ta, hiểu được giá trị của tự do, hòa bình hôm nay mà nâng niu, gìn giữ…
Đại tá Nguyễn Minh Thao (Chính ủy Bộ Chỉ Huy Quân Sự Tỉnh)
Ý kiến ()