“Cơn dư chấn” trên thị trường lao động ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Thảm họa động đất xảy ra hồi đầu tháng 2 năm nay không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người mà còn để lại nhiều hệ lụy với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Điển hình là hàng trăm nghìn doanh nghiệp và người lao động ở hai quốc gia này hiện đang lâm vào tình cảnh khốn đốn vì mất sinh kế.
Trang AsiaNews dẫn nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, thảm họa động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào đầu tháng 2 vừa qua có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động ở hai quốc gia này, cụ thể là làm gia tăng tình trạng nghèo đói, lao động phi chính thức và lao động trẻ em.
Các chuyên gia của ILO cho biết thảm họa động đất đã khiến hơn 658.000 lao động ở Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây không có việc làm để kiếm sống, khoảng 150.000 cơ sở làm việc bị phá hủy và không sử dụng được. Tại nước láng giềng Syria cũng có tới 725.000 người phải hứng chịu những ảnh hưởng do động đất gây ra và trong số những người bị mất việc làm có khoảng 23% là phụ nữ.
Lều tạm được dựng cho người dân bị ảnh hưởng bởi động đất ở tỉnh Idlib của Syria. Ảnh: Getty Images |
Hơn thế, thống kê cho thấy các địa phương bị ảnh hưởng bởi động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là nơi sinh sống của hơn 4 triệu lao động, hầu hết làm việc trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, thương mại hay dịch vụ có giá trị gia tăng thấp.
Trong khi đó, nền kinh tế và thị trường lao động Syria vốn bị thiệt hại nặng nề bởi 12 năm xung đột càng trở nên ảm đạm hơn bởi trận động đất, với thêm khoảng 170.000 lao động bị mất việc làm. Ước tính 5 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Syria là nơi sinh sống của khoảng 42,4% tổng dân số nước này, trong đó có 7,1 triệu người trong độ tuổi lao động.
Theo các chuyên gia của ILO, động đất đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 154.000 hộ gia đình và khoảng 35.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Syria. Tình trạng thất nghiệp gia tăng hiện đã khiến tổng thiệt hại về thu nhập từ lao động của Syria lên tới gần 5,7 triệu USD/tháng.
Đó là chưa kể thảm họa động đất có thể còn để lại những rủi ro lớn hơn đối với sự an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của người lao động.
Chính vì vậy, Tổng giám đốc ILO Gilbert F.Houngbo cho rằng tăng việc làm là một trong những biện pháp có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ, Syria phản ứng và dần hồi phục sau thảm họa động đất vừa qua. “Người dân chỉ có thể bắt đầu tái xây dựng cuộc sống nếu họ khôi phục được sinh kế”, ông Houngbo nhấn mạnh.
Trong cuộc họp báo diễn ra vào đầu tháng 3 vừa qua, một quan chức của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng thiệt hại do thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ vượt 100 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) thì ước tính thảm họa này đã gây ra thiệt hại trực tiếp về vật chất lên đến khoảng 5,1 tỷ USD cho Syria. Con số này là không hề nhỏ với một quốc gia trải qua nhiều năm xung đột như Syria.
Đến nay, ILO đã đề ra những chính sách phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng bởi động đất ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhằm hỗ trợ thị trường lao động, hồi sinh các doanh nghiệp ở hai quốc gia này. Điển hình là việc thúc đẩy các chương trình hỗ trợ khẩn cấp để từ đó giúp các doanh nghiệp có thể duy trì việc làm cho người lao động cũng như hoạt động kinh doanh, đồng thời đưa ra các sáng kiến liên quan tới lao động nông nghiệp thời vụ, lao động trẻ em và người tị nạn.
Còn tại Syria, ILO đang tiến hành cải thiện tình hình an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động thông qua nhiều chiến dịch đào tạo khác nhau. Ngoài ra, tổ chức này hiện cũng cung cấp các khoản tài trợ để giúp những người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi động đất, đồng thời cải thiện tình hình an toàn và vệ sinh lao động.
Trong công cuộc tái thiết tốn tiền của và thời gian sau thảm họa động đất, cuộc sống hiện tại của rất nhiều người lao động ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không thể bị bỏ quên!
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()