Cơn đau đầu mới của người dân xứ sở sương mù
Đến nay, đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt tại Anh, nhưng dường như không còn là nỗi lo lớn nhất với nhiều người dân ở nước này. Bởi, theo kết quả một cuộc khảo sát mới công bố, không phải dịch bệnh mà chuyện chi tiêu, tiền bạc mới là vấn đề khiến người dân xứ sở sương mù đau đầu hơn cả.
Tờ Financial Times đầu tuần này dẫn kết quả khảo sát do Đại học London (UCL) thực hiện cho thấy, có tới 38% người trưởng thành ở Anh hiện tỏ ra lo lắng về khả năng tài chính của bản thân. Trong khi đó, tỷ lệ người dân Anh lo ngại về nguy cơ nhiễm Covid-19 đã giảm từ 40% trong tháng 1 vừa qua xuống còn 33%.
Đáng chú ý, tất cả các nhóm tuổi tham gia cuộc khảo sát đều nói rằng họ ngày càng lo ngại về vấn đề “cơm áo gạo tiền”, trong đó cao nhất là những người từ 30 đến 59 tuổi. Và cũng chỉ có khoảng 1/3 số người thuộc nhóm tuổi này lo ngại về đại dịch Covid-19.
“Điều này cho thấy dù số ca mắc bệnh, số ca nhập viện và số ca tử vong vì Covid-19 trên thực tế vẫn tương đương hoặc cao hơn so với tháng 1-2022, nghĩa là tình hình chung vẫn chưa biến chuyển, song đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận của người dân về đại dịch”, Giáo sư Daisy Fancourt, tác giả chính của cuộc khảo sát nhận định.
Người dân đi mua sắm tại một khu chợ ở London, Anh. Ảnh: Reuters |
Bà Fancourt cũng cho rằng, kết quả khảo sát của UCL cho thấy tại Anh đã xuất hiện một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt. Cuộc khảo sát này được tiến hành vào cuối tháng 3-2022 thông qua việc tham khảo ý kiến của 29.000 người dân tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Financial Times nhận định vấn đề bảo đảm tài chính cho gia đình đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với người dân Anh khi lạm phát tiêu dùng tại nước này trong tháng 2 vừa qua tăng lên mức cao nhất trong 30 năm qua (6,2%), cùng với đó là giá nhiên liệu cũng tăng tới 54% trong tháng 4 này.
Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ khiến lạm phát leo thang hơn nữa trong giai đoạn thứ hai của năm 2022, thể hiện qua giá xăng dầu tăng. Kết quả là chỉ khoảng một nửa số người được hỏi cảm thấy họ có đủ khả năng bảo đảm được tài chính cho gia đình, tức là giảm so với tỷ lệ gần 2/3 trong cuộc khảo sát tháng 10 năm ngoái.
Kết quả các nghiên cứu khác do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh mới công bố cũng chỉ ra rằng, ngày càng có thêm nhiều người Anh buộc phải cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng thiết yếu cũng như nhiên liệu để thích nghi với tình trạng chi phí sinh hoạt gia tăng.
Hơn thế nữa, khảo sát của UCL còn đưa ra một thực trạng, đó là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang gây ra các vấn đề mới về sức khỏe tâm thần đối với người dân Anh, thể hiện qua sự suy giảm về mức độ hài lòng của họ đối với cuộc sống.
Các triệu chứng trầm cảm và lo lắng ở người dân xứ sở sương mù cũng đã tăng tới mức cao nhất trong gần một năm qua, tương tự như ở thời điểm mà nước này lần đầu tiên nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong phòng, chống dịch vào năm 2020.
Theo bà Cheryl Lloyd, người đứng đầu chương trình giáo dục tại tổ chức từ thiện Nuffield, mặc dù giờ đây ngày càng có nhiều người dân Anh ra ngoài đi chơi, xả hơi, song kết quả khảo sát của UCL vẫn chứng tỏ chi phí sinh hoạt tăng đang tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của nhiều người trong số họ, đặc biệt là những người có mức thu nhập thấp.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, giá tiêu dùng tại Anh sẽ còn tăng cao, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đẩy giá hàng hóa, thực phẩm và nhiên liệu lên những nấc thang mới.
Dĩ nhiên, thực tế cho thấy lạm phát đang trở thành mối quan tâm lớn của không chỉ người dân Anh mà còn tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Và điều này đã tạo thêm gánh nặng cho họ trong một giai đoạn vốn đã có quá nhiều nỗi lo.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()