tle=”Côn Đảo, những điều không thể lãng quên”> Côn Đảo hôm nay.
Đến Côn Đảo một ngày đầu tháng tư, gió xô nắng vào vách núi. Lang thang trên đảo ngắm bình minh lên, chờ hoàng hôn xuống; viếng nghĩa trang Hàng Dương, thăm nhà tù Côn Đảo, càng thấy thấm thía hơn những giá trị lịch sử vĩnh hằng của mảnh đất này.
Từ “địa ngục trần gian”…
Từ Tân Sơn Nhất, chỉ mất 30 phút đi máy bay là đến Sân bay Côn Sơn (còn gọi là Sân bay Cỏ Ống). Từ Sân bay Cỏ Ống chạy ô-tô chừng 15 phút là đến trung tâm huyện Côn Đảo, nằm giữa thung lũng hình bán nguyệt Côn Sơn. Chiều tắt nắng, chạy xe máy lòng vòng quanh đảo, cảm giác đầu tiên dấy lên trong tôi là sự yên bình đến diệu kỳ. Những con đường nhỏ rợp mát bóng cây, những hàng dương rì rào gió thổi, những bãi biển xanh ngắt và thơ mộng, những quán cà-phê giản dị “lợp mái” bằng những tán lá bàng xanh cổ thụ… Đêm đầu ở Côn Đảo, tôi ra viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Đã 12 giờ đêm, cả Nghĩa trang Hàng Dương như còn thức. Bên mộ chị Võ Thị Sáu, từng dòng người vào thắp nén nhang thơm, cúi đầu thành kính biết ơn rồi tản bộ thắp nhang trên những nấm mộ chung quanh. Những nấm mộ có tên và không tên san sát cạnh nhau, nhấp nhô trải khắp vùng đồi. Tôi đứng lặng trước mộ chị Võ Thị Sáu, rưng rưng nghĩ về người nữ anh hùng ra đi khi chưa đầy 20 tuổi và chợt nhớ lời bài hát ca ngợi chị của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: “Mùa hoa Lê-ki-ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho mùa hoa Lê-ki-ma nở… Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin và chết vẫn không lùi bước…”. Năm 2009, Nhà nước tổ chức đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang và từ đó tới nay, cứ 12 giờ đêm, Nghĩa trang Hàng Dương lại đón nhiều dòng người đến viếng. Dù đông nhưng mọi người đều lặng lẽ và trật tự. Dường như trong không khí này, ai cũng trở nên trầm lặng hơn, những bước chân đi cũng nhẹ nhàng hơn vì ai cũng ý thức được rằng, đâu đó dưới lòng đất này, còn bao xương máu của cha ông. Côn Đảo là nơi yên nghỉ của hơn 20 nghìn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày đã hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng đến nay, mới chỉ có 1.912 ngôi mộ được quy tụ tại Nghĩa trang Hàng Dương, với 701 ngôi mộ có tên, còn lại là những ngôi mộ không tên. Trải qua 113 năm đen tối đọa đày, từ khi thực dân Pháp thành lập Nhà tù Côn Đảo cho đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1-2-1862 đến 1-5-1975), nơi đây là một “bản cáo trạng sống” kết án chính sách xâm lược của thực dân và đế quốc. Ngày nay, hệ thống nhà tù vẫn còn đó, một số nhà tù luôn mở cửa cho du khách đến tưởng niệm và tham quan. Nhớ lại cảm giác yên bình đến diệu kỳ trong cảm nhận đầu tiên về Côn Đảo, mới hiểu, có được sự yên ả, thanh bình như ngày hôm nay là nhờ Côn Đảo đã đi qua một thời đau thương, một thời máu đổ.
… Đến hòn đảo xinh đẹp và phát triển
Quá khứ ở Côn Đảo đã khép lại với những sự thật và dấu ấn lịch sử không thể phai mờ. Chốn “địa ngục trần gian” từng làm phẫn nộ và rung động trái tim triệu triệu người con đất Việt và bạn bè khắp năm châu, bốn biển, thì nay đã trở thành một hòn đảo thanh bình và tươi đẹp, chan hòa ánh nắng với mầu xanh của biển cả và những tán cây rừng. Với dân số 6.500 người, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 1.175 USD, hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 18 hộ trong số 1.426 hộ và dự kiến vào cuối năm nay sẽ không còn hộ nào nghèo. Đời sống của các hộ gia đình chính sách so mức sống của toàn dân đều ở mức trung bình khá trở lên. Hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT đều đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng hằng năm chiếm tới hơn 50%… là kỳ tích của Côn Đảo sau gần 40 năm giải phóng. Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Châu Anh Kiệt cho biết: Trong năm 2012, huyện phấn đấu thu nhập bình quân đầu người lên mức 1.605 USD với cơ cấu kinh tế được chuyển dịch mạnh sang khu vực dịch vụ – du lịch, chiếm tới 84,13%, khu công nghiệp – xây dựng 8,6%, khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ ở mức 7,27%. Lượng khách du lịch ước tính sẽ đạt 65 nghìn lượt người, tăng 7,69% so với ước thực hiện năm 2011, trong đó khách quốc tế là hơn 13 nghìn lượt.
Côn Đảo đang phát triển, hòa mình với sự thay đổi của cả dân tộc. Trong suy nghĩ của người dân nơi đây, Côn Đảo giờ quá đỗi thân thương. Sự thay đổi từng ngày của Côn Đảo khiến những người mới đến thấy gắn bó hơn, còn với những người đã sống và chiến đấu cho mảnh đất thiêng liêng này một cảm giác ngỡ ngàng và xúc động. Bác Hai Viên – cựu tù Côn Đảo, vào tù năm 1969 khi 25 tuổi và ra tù ngày 1-5-1975, sau đó ở lại Côn Đảo sống và làm việc. Trước khi về hưu, bác là Trưởng Ban quản lý di tích Côn Đảo. Khi được hỏi về những cảm xúc trước Côn Đảo hôm nay và Côn Đảo của những ngày đau thương máu đổ, bác rưng rưng: “Một sự thay đổi ngỡ ngàng, khó hình dung nổi. Những ký ức về năm tháng ngục tù vẫn còn in đậm trong tôi, cho nên có cuộc sống thanh bình, ổn định như hôm nay là giấc mơ lớn đã thành hiện thực. Những ngày rằm, mồng một hằng tháng vào viếng Nghĩa trang Hàng Dương, cúi đầu trước các đồng đội đã hy sinh lại càng thấy xúc động, nước mắt tuôn trào và cầu nguyện các anh, các chị hãy yên lòng an nghỉ, vì hôm nay, cả người còn sống và người đã chết đều đã trở về giữa lòng dân tộc”. Khác với bác Hai Viên, chị Nga mới sống ở đây chừng 15 năm nhưng đã quá thân thiết và gắn bó với đảo. Chị tâm sự, hồi đầu ra đảo buồn lắm, làm ăn buôn bán nhỏ ở chợ thu nhập chẳng là bao. Năm năm trở lại đây, du lịch phát triển, chị đầu tư xây nhà nghỉ cho thuê, cho nên cuộc sống khá dần lên.
Đề án phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 264/2005/QĐ-TTg ngày 25-10-2005, Côn Đảo sẽ trở thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao, hiện đại đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, gắn với bảo tồn tôn tạo di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam; xây dựng Côn Đảo xứng đáng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía nam Tổ quốc. Trước những mục tiêu ấy, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Anh Kiệt cho rằng: Trung ương cần tập trung vốn đầu tư cho Côn Đảo để triển khai quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng theo từng giai đoạn phân kỳ. Để thu hút đầu tư vào nơi đây, cần cho phép huyện được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành và nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Côn Đảo. Trong đó đặc biệt quan tâm đến sự ưu đãi với cán bộ, công chức và có chính sách đưa những cán bộ có năng lực từ đất liền ra đóng góp cho sự phát triển chung của toàn huyện.
Côn Đảo, những ngày tháng tư về lại rưng rưng trong một niềm xúc cảm khôn nguôi. Đúng những ngày này cách đây 37 năm, Côn Đảo đang trong giai đoạn chuyển mình để vỡ òa trong niềm vui và những giọt nước mắt khi nghe tin miền nam hoàn toàn giải phóng. Thời gian sẽ dần trôi, quá khứ sẽ ngày một lùi xa, những chứng nhân của một thời rồi cũng sẽ lần lượt khuất bóng. Nhưng tôi tin những trang sử hào hùng của mảnh đất này, những câu chuyện thật hay huyền thoại về những người chiến sĩ cách mạng kiên trung ở nơi này sẽ còn được lưu truyền mãi mãi về sau. Như những con sóng vẫn ngày đêm vỗ vào bờ mải miết, như những hàng dương vẫn vi vút gọi gió về, như những cây bàng cổ thụ đầy huyền thoại vẫn bám chặt đất thiêng. Những dòng người khắp trong nước và quốc tế ngày ngày vẫn lần lượt tới, không chỉ để ngắm một Côn Đảo với biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà là để được một lần vào viếng Nghĩa trang Hàng Dương, đứng trước bàn thờ linh thiêng, thắp nén nhang thơm trên mộ người đã khuất, cúi đầu biết ơn lớp lớp thế hệ cha ông đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập hôm nay. Dù Côn Đảo đang phát triển mạnh mẽ và những giá trị kinh tế – văn hóa ngày càng được nâng cao, thì mọi giá trị văn hóa tâm linh vẫn không hề phai nhạt. Bởi lẽ, sự biết ơn, lòng thành kính quá khứ luôn hiện hữu. Bởi nơi này, mãi mãi “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên…”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()