Thứ 5, 28/11/2024 03:00 [(GMT +7)]
Con chữ ở Yên Lỗ cùng những ước mơ xanh
Thứ 4, 27/10/2010 | 09:44:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Vượt gần 50 cây số từ thị trấn Bình Gia, leo lên những con dốc dựng đứng, vượt qua quãng đường dài cách trở với đá nhọn hình chông và đôi chỗ đất lẫn đá lầy lội, trơn trượt chúng tôi đến được trung tâm xã Yên Lỗ.
Tận mắt chứng kiến quang cảnh heo hút nơi đây, chúng tôi mới thấy được rằng bà con dân tộc xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia thật sự đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện cuộc sống. Ấn tượng đầu tiên là những em HS trung học tụm lại nhìn chúng tôi tỏ vẻ xa lạ, rồi bỏ chạy về dãy nội trú. Nói là “dãy nội trú” nhưng chỉ là những gian gỗ nhỏ xiêu vẹo, chật chội chưa đầy 10m2, xung quanh là bờ tường được ghép bằng vài miếng cót, cái chắc chắn hơn thì được ghép bằng mấy tấm gỗ tươi. Trong cái nắng oi ả của buổi trưa trước khi trời chuyển bão, làn khói từ những góc bếp ngay trong khu nội trú càng làm không khí tăng thêm sự ngột ngạt. Dãy nhà này có khoảng 7 cái lán tự làm với gần 60 HS ở chung. Căn phòng nhỏ nổi bật với hai miếng ván ghép làm giường, vẻn vẹn vài bộ quần áo treo “tường”, mấy sấp sách vở, lỉnh kỉnh chăn màn; một túi gạo cùng mấy gói lạc, một ít muối là toàn bộ hành lý các em mang theo khi xuống đây học cái chữ.
Trong số HS chúng tôi gặp, Lý Thị Thanh, dân tộc Dao, học sinh lớp 9B, nổi bật với gương mặt sáng, hiền hoà và bộ quần áo đi học chưa kịp thay. Nhà cách xa trường hơn chục cây số, nên em ở đây cùng các bạn đến cuối tuần mới về nhà, đầu tuần lại đi bộ đến trường. Em tâm sự, nhà tận thôn Khuổi Sắp, cách xa trường nên bố mẹ dựng lán để em ở đây cùng các bạn. Mùa hè nóng thì còn chịu khó tắm suối, ngồi gốc cây cho mát, nhưng mùa đông, gió lùa như cắt da cắt thịt, các em phải ôm chặt nhau mà ngủ, có khi còn ngủ ghép để giữ ấm. Thanh cho biết, trong dãy nội trú này chỉ có một lán là mới dựng, còn lại đều đã cũ. Bố mẹ các em cũng thường xuyên đến sửa chữa, nhưng những ngày mưa to, gió lớn lán nào bị dột thì các em lại tập trung sang ngủ tạm ở lán khác. HS ở đây chủ yếu là con em người dân tộc Dao và Nùng, ở cách trường 5-10 cây số. Để học được cái chữ, nếu ở gần các em dậy từ tờ mờ sáng đi bộ đến trường, còn xa hơn thì ở lại khu nội trú. Để có thể sinh hoạt và học tập tại trường, các em phải tự lập hoàn toàn. Các anh chị lớn thì đi lấy nước cách đó 2 cây số rồi nấu cơm, giặt giũ, còn các em nhỏ hơn thì dọn cơm, rửa bát.
Em Hoàng Thị Thi, học sinh lớp 8A đang hì hụi với bữa cơm trưa cho 6 người ăn tâm sự, đi học về các em mới nấu cơm ăn, có hôm đói chẳng chịu được mọi người ăn cơm vừa chín tới, những vẫn thấy ngon. Học sinh khó khăn là vậy, còn giáo viên cũng vất vả trăm bề. Ở trường học thì cơ sở vật chất thiếu thốn, bàn ghế đã có chiều hướng hư hỏng, chất lượng phòng học đang dần xuống cấp theo thời gian. Trong khi đường xa, đi lại khó khăn, nhà công vụ cho giáo viên mới chỉ có 8 phòng được kiên cố và cũng chỉ cho giáo viên ở trường trung tâm còn những phân trường xa thì giáo viên vẫn phải ở trong những ngôi nhà gỗ chật hẹp… Thiệt thòi nhất là các thầy cô giáo phụ trách giảng dạy ở các thôn xa như Khuổi Sắp, Khuổi Cọ… Nhưng dường như họ đã quên những khó khăn, vất vả, tất cả chỉ mong mang lại cho con em cái chữ… Ông Hoàng Hữu Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ở đây, công việc gieo chữ cũng khó như người dân Yên Lỗ làm kinh tế vậy. Thế mà cây vẫn nảy mầm, đến mùa là kết trái. Toàn xã Yên Lỗ có gần 700 HS các cấp học, riêng trường THCS có trên 260 HS. Năm học qua có gần 93% HS tốt nghiệp THCS; nhiều em đã theo học trường cấp 3. Đây là một cố gắng hết mình của thầy cô và HS nơi đây.
Chúng tôi cũng tin rằng trong tương lai không xa, những con đường vào xã vùng 3 này sẽ được mở rộng, trải nhựa để thầy cô cũng như HS đỡ vất vả, yên tâm gieo những con chữ nơi vùng cao heo hút này… Chào Yên Lỗ, chúng tôi mang theo ánh mắt trong veo và nụ cười rạng rỡ của Thanh, cô học trò nhỏ với ước mơ sẽ tiếp tục học để thi vào trường cấp 3 Pắc Khuông. “Em cũng muốn được làm nhà báo để sau này đi nhiều, biết nhiều rồi về giúp đỡ gia đình, quê hương”…
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()