“Cơn bão” trong cốc trà
Pakistan đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng do giá lương thực, khí đốt và dầu tăng cao trong nhiều tháng qua.
Để thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, chính phủ của tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã đề nghị người dân giảm tiêu thụ trà. Tuy nhiên, lời đề nghị trên lập tức tạo ra làn sóng phẫn nộ khắp quốc gia Nam Á này.
Người “gây bão” lần này là Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Ahsan Iqbal. Theo ladepeche.fr, trong cuộc họp báo ngày 15-6 vừa qua, ông Iqbal đã kêu gọi người dân giảm uống trà để tiết kiệm tiền nhập khẩu loại nguyên liệu này.
“Tôi kêu gọi người dân uống ít hơn một hoặc hai cốc trà vì trà cũng được chúng ta nhập khẩu theo hình thức tín dụng (mua trước trả sau)”, ông Iqbal cho biết.
Người dân Pakistan coi trà là loại đồ uống không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: AFP |
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Pakistan kêu gọi người dân giảm thói quen ăn uống để vượt qua những khó khăn về kinh tế. Cách đây 3 năm, dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Imran Khan, nước này đã kêu gọi người dân sử dụng ít đường hơn và chỉ ăn một chiếc roti (loại bánh mì dẹt) trong bữa ăn. Tuy nhiên, uống trà là thói quen lâu đời của người Pakistan nên đề nghị này khó được chấp nhận.
Theo Reuters, Pakistan là nước nhập khẩu trà lớn nhất trên thế giới. Thống kê cho thấy, quốc gia có 220 triệu dân này đã chi hơn 640 triệu USD để nhập khẩu trà vào năm 2020. Con số này gấp 6 lần so với Pháp trong cùng thời kỳ.
Jan Muhammad, 45 tuổi, một tài xế xe tải, cho biết ông uống từ 15 đến 20 cốc trà mỗi ngày để duy trì sự tỉnh táo. Trong khi đó, thợ làm bánh Muhammad Ibrahim cho biết anh uống 10-12 cốc trà mỗi ngày. “Tôi uống 3-4 cốc vào buổi sáng, sau đó là 3-4 cốc vào buổi chiều và 4 cốc vào đêm muộn”, Ibrahim chia sẻ.
Vì lẽ đó, lời đề nghị của ông Iqbal đã vấp phải những phản ứng tiêu cực từ người dân. “Ông Ahsan Iqbal kêu gọi cả nước giảm uống trà. Xin lỗi nhé, bởi uống trà là một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi”, một người có nickname Zoha viết trên Twitter. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều người còn lên tiếng kêu gọi Bộ trưởng Iqbal từ chức vì phát ngôn “thiếu tỉnh táo” trên.
Thực tế, đưa ra lời kêu gọi người dân uống ít hơn một đến hai cốc trà mỗi ngày là việc làm bất đắc dĩ của Chính phủ Pakistan. Trong bối cảnh nền kinh tế bị kiệt quệ sau đại dịch Covid-19, giá lương thực, xăng dầu tăng cao, lạm phát phi mã…, Thủ tướng Shehbaz Sharif buộc phải theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Mới đây, Thủ tướng Sharif ra thông báo yêu cầu các công chức Pakistan quay trở lại làm việc 5 ngày/tuần, thay cho 6 ngày/tuần như trước đây. Đây là biện pháp tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh quốc gia này đang thiếu điện trầm trọng. “Việc nghỉ thêm một ngày vào thứ bảy sẽ giúp Pakistan tiết kiệm 386 triệu USD/năm”, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Marriyum Aurangzeb khẳng định.
Theo tờ The Nation của Pakistan, thâm hụt điện trong cả nước đã lên tới 6.530MW. Cụ thể, tổng sản lượng điện hiện nay vào khoảng 20.170MW trong khi tổng nhu cầu là 26.700MW. Điều này đang dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài trên khắp cả nước.
“Pakistan nhận được phần lớn điện năng từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên nhập khẩu. Bên cạnh đó, Pakistan gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu dầu thô. Kết quả là, hóa đơn năng lượng của nước này đã tăng gấp đôi trong vòng 10 tháng qua”, tờ The Nation nêu rõ.
Ngoài ra, Chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif còn thành lập một ủy ban nhằm đánh giá những thuận lợi và khó khăn của việc chuyển sang làm việc từ xa vào các ngày thứ sáu trong tuần. Bên cạnh đó, Chính phủ và chính quyền một số địa phương cũng đang nghiên cứu để giảm ánh sáng công cộng, chẳng hạn cứ hai cột đèn điện thì chỉ bật một chiếc.
“Các chuyến công tác nước ngoài của quan chức Pakistan sẽ bị hạn chế đáng kể trong thời gian tới như một phần của các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, nhật báo Dawn của Pakistan cũng nêu rõ.
Tuy nhiên, cắt giảm tiêu thụ trà khó được người dân Pakistan chấp nhận như một biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, bởi biện pháp này không có nhiều tác dụng để kéo đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Người ta cho rằng, thay vì đề nghị giảm tiêu thụ trà, chính quyền Pakistan nên tập trung vào các giải pháp kinh tế vĩ mô phù hợp với tình hình hiện tại để có thể giải quyết bài toán khó khăn hiện nay.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()