Cơn bão số 3 làm 9 người chết và mất tích, 8 người bị thương
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết tính đến sáng 21/8, bão số 3 đã làm 7 người chết, (Yên Bái 2 người, Sơn La 1 người, Lào Cai 1 người, Hòa Bình 1 người, Bắc Giang 1 người, Nghệ An 1 người), tăng so với ngày 20/8 là 6 người; số người mất tích là 2 (Bắc Giang 1 người, Lào Cai 1 người), tăng so với ngày 20/8 là 1 người; số người bị thương là 8 (Hà Nội 3 người, Yên Bái 1 người, Vĩnh Phúc 3 người, Phú Thọ 1 người).
Một gia đình ở khu 3 thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái bị đất đá sạt lở vào nhà. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Thiệt hại về nhà ở là 44 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 651 nhà bị tốc mái, hư hại; 1.511 nhà bị ngập nước; nhà di dời khẩn cấp: 2.154 nhà.
Khoảng 8.843ha lúa và 1.189ha hoa màu bị ngập úng; 595 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 252 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ; 61 con gia súc, 1.895 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
14 cầu nhỏ, ngầm tràn bị cuốn trôi, nhiều vị trí tại các quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông. 4 đập xây bị hư hỏng, 4.482 m kênh mương, 3.445m kè bị sạt, trôi, hư hỏng. 1 lộ đường dây 500KV, 22 lộ đường dây 110kV, 115 sự cố lưới điện phân phối, 63 cột điện bị gãy, đổ.
Sự cố trên các tuyến đê từ cấp III trở lên: Trên tuyến đê tả Cầu thuộc địa bàn huyện Việt Yên-Bắc Giang đã xảy ra 2 sự cố sạt lở mái đê phía sông, cụ thể tại K40 080 xuất hiện cung sạt, kích thước dài 5m, rộng 2m, sâu 1m. Bãi trước đê rộng 20m, đang bị ngập nước khoảng 1m, có kè bảo vệ phía ngoài.
Tại K49 700 xuất hiện cung sạt, kích thước dài 3m, rộng 2m, sâu 1m. Bãi sông trước đê rộng 25m, đang bị ngập nước khoảng 0,5m.
Tỉnh Hải Dương bị sạt lở mang cống Đầm Tôm tại K4 970 đê tả Lạch Tray; sạt mái đê phía sông (giáp đỉnh mang cống), dài 4m, sâu 1,2m, lấn sâu vào mái đê 0,4m; sạt bãi sông tại vị trí cửa cống An Thổ tại K47 640 đê tả Luộc sạt bãi sông tại khu vực cửa ra cống An Thổ, cung sạt dài 25m, cách chân đê 2-3m; sạt mái đê phía đồng tại K41 381 đê hữu Kinh Thầy cung sạt dài 6m, sâu 1m, lấn sâu vào mặt đê 1m.
Tại tỉnh Ninh Bình, sự cố sạt lở xảy ra ở 2 tuyến kè trên đê hữu Đáy thuộc địa bàn huyện Yên Khánh.
Sáng 20/8, Bộ trưởng-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp giao ban để rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và chỉ đạo ứng phó với với tình hình mưa, lũ, úng ngập, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Cùng ngày, Bộ trưởng-Trưởng ban đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả ngập úng do mưa, lũ sau bão tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tổng Cục Thủy lợi đã tổ chức 2 đoàn công tác do Cục trưởng-Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về tỉnh Yên Bái; Vụ trưởng Vụ Quản lý Đê điều về tỉnh Bắc Giang để nắm tình hình và phối hợp với địa phương ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão tại 2 tỉnh trên.
Ủy ban nhân dân các tỉnh đã tổ chức các cuộc họp về việc đối phó với tình hình mưa, lũ; ban hành Công điện chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các biện pháp ứng phó. Các tỉnh cũng thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các huyện, xã có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét và sạt lở đất để chỉ đạo kịp thời và nắm bắt tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 để có các phương án giúp người dân giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về cơ bản các lưới điện 500kV, 220kV, 110kV đã khôi phục vận hành. Về lưới điện phân phối có 11 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Yên Bái. Đến hết ngày 20/8, EVN đã khôi phục vận hành lưới điện phân phối cho các tỉnh trên.
Các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng tuy không xảy ra tình trạng úng ngập, nhưng vẫn đang chủ động vận hành bơm để hạ thấp mực nước trong đồng và kênh.
Thành phố Hà Nội đã giải quyết 100% diện tích úng ngập trên địa bàn thành phố, 204 trạm bơm với 949 máy bơm tiêu các loại đang được vận hành.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 1.500 ha lúa đang bị ngập gần 1/2 cây, nhưng không ảnh hưởng đến sinh trưởng. Địa phương đang chỉ đạo vận hành 397/586 máy bơm tiêu các loại.
Tại Vĩnh Phúc, diện tích bị ảnh hưởng là 2.698 ha (2.560 ha lúa và 138 ha rau màu), trong đó, diện tích bị mất trắng là 1018 ha (955 ha lúa và 63 ha rau màu); 211 ha thủy sản bị ngập và 20 m kênh mương bị sạt.
Địa phương đang chỉ đạo điều tiết xả lũ các hồ chứa và vận hành các trạm bơm tiêu để hạn chế úng ngập trên địa bàn tỉnh. Việc tiêu úng khu vực phía nam của tỉnh qua sông Phan phụ thuộc vào mực nước sông Cầu (hiện đang ở mức cao), nên cần có các giải pháp chủ động tiêu thoát khác hỗ trợ.
Tỉnh Bắc Giang diện tích ngập úng là 505,7ha, trong đó ngập trắng 266,1 ha lúa, ngập một phần 236,6 ha lúa và 3 ha rau màu, có 238 máy bơm tiêu đang hoạt động.
Tỉnh Hòa Bình hiện còn khoảng 200 ha lúa bị ngập.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành và địa phương các tỉnh phía Bắc tiếp tục triển khai thực hiện các Công điện số 1478/CĐ-TTg ngày 18/8/2016 và số 1494/CĐ-TTg ngày 19/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế, bám sát diễn biến mưa lũ để chủ động điều chỉnh phương án, kịch bản để ứng phó kịp thời, phù hợp đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Khu vực các tỉnh miền núi tiếp tục rà soát và triển khai ngay việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ xảy ra ngập úng tránh tình trạng chủ quan; bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người dân.
Các địa phương triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; trong đó tập trung các trọng điểm đê điều đã bị sự cố trong bão số 1 và 18 hồ chứa xung yếu đang tích nước cao.
Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão, huy động nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác về sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân; tiếp tục tăng cường công tác thông tin truyền thông, cảnh báo thiên tai ở Trung ương và địa phương.
Các địa phương, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả các trận thiên tai vừa qua để bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó đảm bảo sát với thực tế; tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()