Cơm sôi bớt lửa
Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) vừa có bước đi bất ngờ, khôi phục quyết định miễn trừ trừng phạt liên quan hoạt động hạt nhân dân sự của Iran. Không chỉ tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán về thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đang trong giai đoạn nước rút, quyết định của Washington còn được ví như hành động “cơm sôi bớt lửa” giữa lúc quan hệ Mỹ-Iran vẫn căng như dây đàn.
Quyết định miễn trừ trừng phạt của Mỹ cho phép các công ty nước ngoài, cụ thể là của Nga, Trung Quốc và châu Âu, tham gia các dự án hợp tác dân sự tại một số cơ sở của Iran, như nhà máy điện hạt nhân Bushehr, lò phản ứng nghiên cứu Tehran và nhà máy nước nặng Arak. Các dự án phải bảo đảm không để các cơ sở của Iran được sử dụng cho việc phát triển vũ khí hạt nhân. Một số nội dung công việc được miễn trừ trừng phạt gồm thiết kế lại lò phản ứng hạt nhân nước nặng, chuẩn bị và sửa đổi cơ sở Fordow để sản xuất chất đồng vị, hay hoạt động đào tạo, cung cấp dịch vụ liên quan nhà máy điện hạt nhân…
Quyết định nêu trên được Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định là nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán tại Vienne (Áo) nhằm cứu JCPOA. Trong báo cáo trình Quốc hội hôm 4/2, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: Việc miễn trừ trừng phạt nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán đạt được thỏa thuận về khôi phục cam kết đầy đủ của các bên theo JCPOA, đặt nền móng để Iran trở lại tuân thủ các cam kết trong bản thỏa thuận lịch sử này.
Tuy nhiên, Washington cũng khẳng định, việc giảm nhẹ trừng phạt chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ đồng thời kiềm chế hoạt động hạt nhân của Iran. Quyết định miễn trừ không được hiểu là cam kết hoặc một phần quy chế trao đổi của Mỹ nhằm đáp ứng yêu cầu của Iran.
Theo bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran ký với các cường quốc nhóm P5 1 năm 2015, Iran đồng ý giám sát chặt chẽ chương trình năng lượng hạt nhân và khẳng định không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Ðổi lại, Iran được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc. Tuy nhiên, với lý do thỏa thuận này không đủ sức mạnh, năm 2018, chính quyền tiền nhiệm của ông Biden đã rút khỏi JCPOA và đơn phương áp đặt lại các lệnh trừng phạt chống Iran. Năm 2020, Washington tiếp tục rút lại quyết định miễn trừ trừng phạt liên quan hoạt động hạt nhân Iran, trong chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Tehran.
Ngay khi nhậm chức hồi tháng 1/2021, Tổng thống Biden tuyên bố sẵn sàng trở lại JCPOA nếu Iran tuân thủ thỏa thuận. Chính phủ Mỹ cũng tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran, ủng hộ các vòng đàm phán về JCPOA diễn ra tại Vienne. Từ tháng 4/2021, Mỹ và Iran đã tiến hành tám vòng đàm phán gián tiếp. Hiện vòng đàm phán thứ 9 chưa được lên lịch, song nhiều khả năng sẽ được nối lại trong tuần tới.
Iran luôn kêu gọi Mỹ thể hiện thiện chí, bắt đầu từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong phát biểu mới nhất hồi tuần trước, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (E.Rai-xi) nêu rõ, việc hồi sinh JCPOA chỉ có thể thành hiện thực nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vốn đã làm tê liệt nền kinh tế Iran. Trong động thái thể hiện thiện chí, Iran tuyên bố không phản đối đàm phán trực tiếp với Mỹ, tuy nhiên phải tuân theo một số điều kiện. Bộ Ngoại giao Iran cho biết, phía Mỹ đã gửi thông điệp đề nghị đàm phán trực tiếp với Iran; Tehran cho đây là cơ hội, song phải được tiến hành trên tinh thần đối thoại. Tuần trước, Mỹ xác nhận đang chuẩn bị tổ chức đàm phán trực tiếp với Iran, sau khi Tehran thông báo “sẽ cân nhắc một lựa chọn như vậy”.
Iran và Mỹ đều khẳng định sẵn sàng trở lại tuân thủ JCPOA, song mâu thuẫn về lợi ích và thiếu tin tưởng về các bước đi trên thực tế đã đẩy hai bên vào thế giằng co kéo dài. Bước đi bất ngờ của Tổng thống Biden đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm được hoan nghênh, ít nhất làm giảm bầu không khí đối đầu trước vòng đàm phán mới giữa Mỹ và Iran.
Ý kiến ()